Ba thách thức chủ chốt đối với kinh tế Canada 2014

Mạng tin Thư tín địa cầu ngày 4/1 cho biết, sau năm 2013 đình đốn, kinh tế Canada đang đối mặt với 3 thách thức lớn trong năm 2014.

Mạng tin Thư tín địa cầu ngày 4/1 cho biết, sau năm 2013 đình đốn, kinh tế Canada đang đối mặt với 3 thách thức lớn trong năm 2014.

Thứ nhất là xuất khẩu và đầu tư khó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Canada.

Theo bài báo, "thủ phạm" chính khiến tăng trưởng kinh tế Canada đạt thấp hơn tiềm năng trong năm 2013 là do yếu kém trong hoạt động đầu tư và xuất khẩu.

Vì vậy, tăng cường sức mạnh trong hai lĩnh vực này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng của Canada trong năm 2014, nhất là khi những thành tố khác của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có ít tiềm năng tăng trưởng.

Cụ thể, nợ nần khiến các hộ gia đình phải chi tiêu thận trọng, khu vực nhà đất suy giảm trong khi chính phủ hạn chế chi tiêu để cân bằng ngân sách trong trung hạn.

Tuy các doanh nghiệp Canada có vẻ "rủng rỉnh" tài chính nhưng lại không muốn đầu tư mở rộng sản xuất do nhu cầu thị trường thấp.

Trong khi đó, những thách thức về cạnh tranh cũng đang nổi lên do thị phần xuất khẩu của Canada liên tục sụt giảm trong những năm gần đây.

Theo thống kê, các ngành nghề xuất khẩu của Canada đang tạo ra trên 20% tổng số công ăn việc làm của cả nước. Đây cũng là khu vực có năng suất lao động cao, kỹ năng tốt, có nhiều vốn và trả lương cao hơn cho người lao động. Do nên, chính phủ Canada rất quan tâm đến việc đẩy mạnh tăng trưởng trong khu vực này.

Mới đây, Canada đã ký Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện (CETA) với Liên minh châu Âu (EU) với mục tiêu tăng thị phần của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Canada ở các thị trường đang nổi từ 29% hiện nay lên 50% vào năm 2018.

Thách thức thứ hai liên quan đến việc cải cách chính sách thị trường việc làm ở Canada. Dự kiến trong năm 2014, chính phủ Canada có thể tiến hành những cải cách quan trọng, đặc biệt là chương trình hỗ trợ đào tạo lao động "Canada Job Grant" và chương trình "Các thỏa thuận phát triển thị trường lao động" (LMDA).

 Những cải cách này nhằm đánh giá toàn diện cách thức hỗ trợ nhu cầu việc làm cho người lao động và các chủ doanh nghiệp.

Chính phủ Canada đặt mục tiêu giúp 1,3 triệu người thất nghiệp tìm được việc làm, đồng thời tăng cường kỹ năng cho những lao động đang có việc làm.

Thách thức thứ ba liên quan đến lĩnh vực năng lượng, cụ thể là việc Canada muốn Mỹ nhanh chóng phê chuẩn xây dựng đường ống Keystone XL. Đây là đường ống quan trọng giúp ngành năng lượng Canada mở rộng sang thị trường Mỹ, đồng thời tạo nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc cho ngành tài nguyên Canada.

Mặc dù dự án này hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế lớn đối với cả Mỹ và Canada nhưng việc phê chuẩn xây dựng đang gặp nhiều khó khăn do nước Mỹ chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ và Washington đang dần tiến đến mục tiêu độc lập về năng lượng sau khi ngành dầu khí nước này liên tục tăng mạnh sản lượng trong vài năm qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục