Bắc Ninh: Rút kinh nghiệm công tác giải phóng mặt bằng

Bài học kinh nghiệm từ Dự án nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn chính là phát huy quy chế dân chủ, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân.

Ngày 25/11, Ủy ban Nhân dân thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác giải phóng mặt bằng “Dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn,” được coi là điểm nóng gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Bế Xuân Trường, Tư Lệnh Quân khu I, Bí thư tỉnh ủy Trần Văn Túy; Trung tướng Hoàng Kông Tư, Tổng cục trưởng Tổng Cục an ninh II (Bộ Công an); Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và lãnh đạo các huyện, thành phố và các xã, phường của thị xã đến dự để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo thực tiễn của địa phương.

Dự án nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, nằm trên địa bàn phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, là công trình phúc lợi xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2009.

Triển khai dự án, các bộ, ngành Trung ương và địa phương có các văn bản phê duyệt (về quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, hình thức đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng…), hướng dẫn quy trình thực hiện, Ủy ban Nhân dân thị xã Từ Sơn cùng với các ngành chức năng tiến hành thực hiện các bước thu hồi giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Sau thời gian dài, các cơ quan chức năng của tỉnh và thị xã Từ Sơn tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại, giải thích và thuyết phục về lợi ích thiết thực của dự án đối với người dân và đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, một số đối tượng đã chống đối, dùng các biện pháp đe dọa người nhận tiền đền bù, xuyên tác sai sự thật, gây cản trở tiến độ dự án và làm tình hình an ninh trật tự tại khu phố Trịnh Nguyễn trở lên phức tạp trong một thời gian dài.

Trước tình tình đó, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai các biện pháp vận động, tuyên truyền kết hợp với biện pháp răn đe, củng cố cơ sở Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể cơ sở, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế.

Sau năm tháng triển khai, đến nay, nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn đã nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa thiết thực của dự án đối với đời sông xã hội, phát triển kinh tế địa phương và đã tự giác nhận tiền đền bù, không phải dùng biện pháp cưỡng chế.

Qua thực tế chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng dự án nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, chính quyền địa phương các cấp, các ngành đã rút ra các bài học kinh nghiệm. Đó là cần phát huy quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,” làm tốt công tác dân vận bởi “dân vận khéo thì việc gì cũng làm được.”

Vai trò lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể cơ sở phải đi tiên phong, đồng thời phải nắm bắt kịp thời tình hình nội tại, báo cáo cấp trên để có biện pháp tháo gỡ; giải quyết triệt để kiến nghị, thắc mắc của dân dân khu vực có dự án, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, chống đối. Trong đó, công tác dân vận có vai trò quan trọng, thông qua việc quán triệt chủ trương chính sách, vận dụng hợp lý vào từng địa phương.

Lựa chọn cán bộ làm công tác dân vận có kinh nghiệm, có phẩm chất tốt. Trước khi đi làm nhiệm vụ quán triệt nội dung dự án, các văn bản chỉ đạo; nắm chắc tình hình trong từng thời điểm, vận động thuyết phục ngay từ gia đình…

Tỉnh Bắc Ninh đề cao việc triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, giải thích rõ ý nghĩa, sựu cần thiết của dự án, quyền lợi và trách nhiệm của người dân, để dân hiểu. Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giải quyết những thắc mắc của người dân trong quá trình đền bù, thu hồi đất nhằm tạo sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục