Bài học từ Chiến lược phát triển KTXH 2001-2010

Tại đại hội, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư đọc tham luận về bài học từ thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.
Tại phiên họp chiều 13/1, Đại hội XI của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trình bày tham luận về vấn đề: “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001-2010, những bài học rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020.”

TTXVN xin trích giới thiệu bài tham luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về những bài học chủ yếu rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020: Thực tiễn 10 năm qua khẳng định con đường phát triển của đất nước ta là đúng đắn và có thể rút ra bốn bài học chủ yếu để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Một là, phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phải thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội với lộ trình và bước đi thích hợp, tập trung vào mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ và phát huy sức sáng tạo của mình; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, huy động các nguồn lực và tranh thủ điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu to lớn đã đạt được trong 25 năm qua là kết quả của quá trình đổi mới liên tục từ thấp đến cao, tuy nhiên đổi mới có mặt còn chậm, chưa thật sự đồng bộ. Bước sang giai đoạn phát triển mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn. Phải tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động; đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển kinh tế-xã hội.

Hai là, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra cho mỗi quốc gia. Trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển khá nhanh nhưng thực tiễn cho thấy, trong phát triển nhanh phải đặc biệt coi trọng tính bền vững.

Phải kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường; giải quyết tốt mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; phát triển trong giai đoạn này phải tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc trong giai đoạn sau.

Ba là, bảo đảm độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.

Thực tiễn của Việt Nam và tình hình thế giới, khu vực cho thấy, ổn định chính trị-xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển và đây là lợi thế của Việt Nam. Phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo đảm ổn định chính trị-xã hội ngày càng vững chắc.

Bốn là, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là ba nội dung gắn kết trong một chỉnh thể thống nhất, hình thành cơ chế vận hành của chế độ chính trị Việt Nam. Sự gắn kết thiếu chặt chẽ ba nội dung này làm yếu đi sự lãnh đạo của Đảng, giảm hiệu lực hiệu quả quản lý của Nhà nước và hạn chế việc thực hiện quyền làm chủ thật sự của nhân dân.

Trong điều kiện càng đi sâu vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước phải giải quyết nhiều vấn đề mới, phức tạp, do đó phải xây dựng cho được thiết chế thích hợp tạo sự gắn kết và phát huy cao nhất hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ để tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành tổ chức thực hiện của Nhà nước và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục