Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội cho ý kiến 8 nội dung quan trọng

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 23/11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ mười bốn xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung quan trọng, trong đó có Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2024-2026; Báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2023; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2024; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; các chương trình, kế hoạch năm 2024 và Dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, đồ án, Chỉ thị, dự thảo Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Đáng chú ý, về tình hình kinh tế-xã hội, đầu tư công và thu chi ngân sách năm 2023, kế hoạch năm 2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2023 của thành phố; trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2024; đồng thời đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trước mắt và lâu dài.

ttxvn_dinh tien dung (4).jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố; tập trung thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công, đảm bảo sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao; trong đó cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; năm tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Có thể khẳng định, thành phố đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi, tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới như sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của thành phố; thực hiện đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thuộc thành phố...

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội của cả nước cũng như thành phố đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức, khả năng huy động nguồn lực cho phát triển khó khăn, do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc lập điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô lần này là rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp theo, đại biểu đã nghe các lãnh đạo thành phố trình bày các nội dung được xem xét, cho ý kiến tại hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục