Tiếp tục Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/12, sau khi xem xét việc sửa đổi Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội.
Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết cử tri đánh giá cao và đồng tình với những đổi mới của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cách thức tổ chức kỳ họp. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch linh hoạt, khoa học, tạo được không khí sôi nổi, cởi mở nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc. Việc lựa chọn chất vấn về 4 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, đồng tình ủng hộ; đại biểu chất vấn thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ý và phản ánh được nhiều vấn đề mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.
Kết quả của Kỳ họp thứ 2 đã tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm." Các hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ Quốc hội, đại biểu Quốc hội là cơ quan, là người đại diện của nhân dân, gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân.
Bên cạnh đó, cử tri cũng có kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách bình ổn giá và thực hiện các chính sách trợ giá nông sản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có giải pháp tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân sau đại dịch COVID-19; ban hành quy định và hướng dẫn phòng, chống dịch khi cho học sinh trở lại trường…
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát, đổi mới cách thức tiến hành giám sát, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát.
Đối với kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ nhất, Kỳ họp thứ 2, Ban Dân nguyện phối hợp chặt chẽ với các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 5/2022 theo quy định.
Cùng với việc triển khai công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, Trưởng ban Dân nguyện cho biết việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đã được các cấp, ngành quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Qua rà soát, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.003 vụ việc để rà soát và đến nay đã thực hiện rà soát xong 891 vụ việc, đạt 88,83%; trong số đó có 716 vụ việc thuộc trách nhiệm của các địa phương đã được các địa phương rà soát xong 686 vụ việc đạt 95,81%.
[Ngày 21/12, tiếp tục phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhận định công tác dân nguyện của Quốc hội được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm, chú trọng. Các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được duy trì thường xuyên và thực hiện ngày càng hiệu quả. Trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư có sự phối hợp chặt chẽ với hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan ở địa phương để tránh việc xử lý đơn trùng lặp, không thống nhất giữa các cơ quan.
Công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, thường xuyên theo dõi, rà soát kết quả giải quyết đơn của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời ban hành văn bản đôn đốc đối với những trường hợp quá thời hạn, cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết, qua đó đã góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội; hoạt động xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; việc tổ chức, thực hiện giám sát việc giải quyết đối với các vụ việc nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm… bị ảnh hưởng nhất định.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng để nâng cao chất lượng công tác dân nguyện, cần thống nhất mẫu báo cáo gửi cho Hội đồng Dân tộc, các ủy quan để báo cáo, tổng hợp, có thể kèm theo các phụ lục nêu rõ kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, cơ quan chức năng…
Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đôn đốc cơ quan chức năng có thẩm quyền tổ chức thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; rà soát các kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật qua những vấn đề cử tri, người dân phản ánh.
Về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc có các kênh, hình thức phù hợp để chủ động nắm bắt, theo dõi ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước, nhất là một số vấn đề đang nổi lên như thiệt hại bão lũ ở miền Trung, cách khắc phục khó khăn, giải quyết sinh kế cho người dân; kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; vấn đề công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực trong mua sắm, đấu thầu vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch…
Cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện tháng 11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá công tác dân nguyện có những chuyển biến tích cực, đã nêu lên những kiến nghị được đông đảo cử tri, nhân dân cả nước quan tâm; đồng thời, tổng hợp kết quả trả lời, đôn đốc các cơ quan giải quyết kiến nghị của cử tri trong Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ 2.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cố gắng của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội về giải quyết, trả lời các ý kiến của cử tri một cách chủ động," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó lưu ý một số vấn đề như tiếp tục đôn đốc trả lời kiến nghị cử tri; kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận, trả lời đơn thư, đánh giá so với nhiệm kỳ trước; bổ sung vào báo cáo một số vấn đề nổi bật liên quan đến thanh toán bảo hiểm cho người mắc COVID-19; giá xét nghiệm; rà soát các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài…
Theo chương trình làm việc, chiều 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ./.