Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết nêu rõ: Chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân thành phố và Ủy ban Nhân dân thành phố.
Chính quyền địa phương ở quận tại thành phố là Ủy ban Nhân dân quận; ở phường là Ủy ban Nhân dân phường.
Hội đồng Nhân dân thành phố có nhiệm vụ, quyền hạn: quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của quận; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Hội đồng Nhân dân thành phố giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường thuộc quận, Tòa án Nhân dân quận, Viện Kiểm sát Nhân dân quận.
Hội đồng Nhân dân thành phố cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.
Trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận được thực hiện theo quy định của Quốc hội.
Ngoài ra, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, Chánh án Tòa án Nhân dân quận, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân quận. Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn.
Hội đồng Nhân dân thành phố bầu Hội thẩm Tòa án Nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án Nhân dân quận theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố gồm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, 2 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân thành phố. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố có thể là đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố là đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách.
Nghị quyết quy định: Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng, trình Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của Thành phố, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho Ủy ban Nhân dân quận; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của Ủy ban Nhân dân quận.
[Kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh: Quyết tâm không để nợ lời hứa với dân]
Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân quận; quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các quận trực thuộc.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhân dân quận gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Nhân dân quận. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Ủy ban Nhân dân quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận là người đứng đầu Ủy ban Nhân dân quận, lãnh đạo và điều hành hoạt động của Ủy ban Nhân dân quận. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân quận.
Ủy ban Nhân dân quận có không quá 3 Phó Chủ tịch. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận giúp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận vắng mặt, 1 Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Ủy ban Nhân dân quận.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.
Nghị quyết cũng quy định điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021.
Kể từ ngày 1/7/2021, Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường mới được bổ nhiệm.
Từ ngày 1/7/2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác.
Trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với vị trí việc làm đó theo quy định của Chính phủ./.