Bangladesh: Đưa nửa triệu lao động ra nước ngoài

Bộ trưởng Khandker Mosharraf Hossain cho biết, nước này hy vọng đưa được trên nửa triệu người ra nước ngoài làm việc trong năm 2010.
Bộ trưởng Bộ Lao động ngoài nước và phúc lợi kiều bào Bangladesh Khandker Mosharraf Hossain cho biết nước này hy vọng sẽ đưa được trên nửa triệu người ra nước ngoài làm việc trong năm 2010.

Theo ông Hossain, kỳ vọng trên xuất phát từ con số 475.278 người Bangladesh đã tìm được việc làm tại nước ngoài trong năm 2009, bất chấp thị trường lao động toàn cầu ảm đạm do suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Nhân lực, Việc làm và Đào tạo Bangladesh (BMET), do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số lao động tại nước ngoài của Bangladesh trong năm 2009 đã sụt giảm 45,69% so với 875.055 người của năm 2008.

Cũng theo BMET, trong tháng 1/2010, đã có khoảng 33.847 người Bangladesh tìm được việc làm tại nước ngoài, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Hossain nhận định: "Cùng với việc kinh tế thế giới đang phục hồi, các nước Trung Đông có thể sẽ tái khởi động các dự án đã bị đình lại của họ và điều này sẽ giúp chúng tôi gửi thêm được nhiều lao động hơn tới các nước này. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng tới các nước phát triển và đã có một số hợp đồng lao động với các nước này".

Ông đặc biệt nhấn mạnh tới hai thị trường Iraq và Libya, những nơi đang rất cần nhân công để tái thiết đất nước sau chiến tranh. Theo ông, Dubai và một số nước châu Á ở Trung Đông cũng dự kiến sẽ tuyển mộ thêm nhiều nhân công hơn trong năm nay. Ngoài ra, một số thị trường mới đầy hứa hẹn cũng đang mở ra ở các nước như Algeria, Angola, Australia, Azerbaijan, Botswana, Libya, Somalia và Nam Phi.

Theo Ngân hàng Trung ương Bangladesh, trong tài khóa 2008 (kết thúc cuối tháng 6/09), lượng kiều hối từ hơn 5,5 triệu kiều dân Bangladesh gửi về nước đạt 9,68 tỷ USD, cao hơn khoảng 22,38% so với tài khóa 2007.

Trong nửa đầu tài khóa 2009, Bangladesh đã nhận được một khoản kiều hối cao kỷ lục 5,54 tỷ USD, tăng 22,89% so với cùng kỳ tài khóa trước. Lượng kiều hối khổng lồ này, chiếm khoảng 11% GDP của Bangladesh, được gửi chủ yếu từ các nước Trung Đông, trong đó có Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Arập Xêút, Kuwait, tiếp đến là từ Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Italy, Anh và Mỹ./.

Thùy Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục