Tờ Defense One (Mỹ) ngày 13/10 cho biết, vào tuần tới, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với hy vọng đạt được các khoản viện trợ và những hợp đồng thương mại lớn. Tuy nhiên, ông Duterte đã khẳng định sẽ không nhắc tới Bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham) mà Trung Quốc đã "cướp" của Philippines vào năm 2012.
Trong chiến lược quân sự tại Biển Đông, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một tam giác chiến lược với ba đỉnh là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough. Việc xây dựng căn cứ quân sự trên cả ba đỉnh này sẽ giúp Trung Quốc khống chế toàn bộ tuyến đường biển chiến lược trong những thập niên tới.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các cấu trúc nhân tạo cùng cơ sở vật chất quân sự tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một cấu trúc nhân tạo nữa tại bãi Scarborough sẽ là bước hoàn tất tam giác chiến lược này.
Với khả năng ông Duterte bất chấp thắng lợi tại Toà Trọng tài khi từ chối nêu vấn đề bãi Scarborough tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Philippines coi như đã giao bãi Scarborough cho Trung Quốc để Bắc Kinh hoàn tất chiến lược của mình. Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không vội tiến hành hoạt động xây dựng tại Scarborough mà sẽ tạm dừng một thời gian để xử lý mối quan hệ với Manila.
Cùng ngày, mạng tin "National Interest" cho rằng Trung Quốc và Philippines đang hướng tới một thỏa hiệp có thể tạo ra rạn nứt lớn trong chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với Đông Á.
Tin cho biết Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố sẽ quay lưng lại với Mỹ và bắt tay với Trung Quốc nếu có thể giành lại quyền đánh cá tại bãi Scarborough/Hoàng Nham cho ngư dân Philippines. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chấp nhận đề nghị của ông Duterte do việc từ chối cũng đồng nghĩa với việc tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách hung hăng, không thỏa hiệp, dùng vũ lực ở Biển Đông.
Trong chính sách tái cân bằng, quân sự và kinh tế là hai trụ cột quan trọng, trong đó Philippines là cơ sở để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là vũ khí kinh tế để Mỹ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.
Trong bối cảnh Hiệp định TPP dường như sẽ không thể sớm thông qua tại Quốc hội Mỹ, việc Philippines quay lưng sẽ là một thảm hoạ với Mỹ và là một chiến thắng cho Trung Quốc. Không có Philippines và TPP, Mỹ sẽ cần một kế hoạch dự phòng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đó là nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền kế nhiệm tại Washington./.