BCH Đảng bộ Hà Nội thảo luận về phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô

Ngày 22/4, Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã xem xét, cho ý kiến về các nội dung quan trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 22/4, Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã khai mạc tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, thảo luận 4 nhóm nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ và các Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị. Đại diện các ban Đảng của Trung ương và đại biểu thành phố cùng dự hội nghị.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng như Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quý 1/2020, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng còn lại năm 2020; Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; các nội dung chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và công tác cán bộ; điều chỉnh cục bộ quy hoạch Dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh), hai tuyến đường sắt đô thị số 3 (ga Hà Nội-quận Hoàng Mai) và số 5 (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc).

[Hà Nội cần quyết liệt, chủ động triển khai biện pháp phục hồi kinh tế]

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quý 1/2020 của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện tới hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của thành phố.

Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội cả năm. Số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%. Lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhất là nhóm thực phẩm. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Tại hội nghị này, chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu, chiến thắng trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không? Để làm điều đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải làm gì?"

BCH Đảng bộ Hà Nội thảo luận về phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị, các đại biểu thảo luận, làm rõ những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo vừa qua, nhất là trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, từ đó các cấp ủy đảng, chính quyền cùng đoàn kết, đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu, giảm thiểu thiệt hại, nỗ lực phục hồi, "nạp năng lượng, tạo hiệu năng" để kinh tế Thủ đô có thể bật tăng trở lại khi khống chế được dịch bệnh.

Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng một trong những vướng mắc hiện nay của các dự án đầu tư công liên quan đến vướng mắc về giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng bày tỏ trong quý 2/2020, việc giải bài toán đẩy mạnh xuất khẩu sẽ rất khó bởi các đối tác thương mại lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh lây lan.

Ông Lê Hồng Thăng cũng đề cập đến những khó khăn về việc giải quyết thủ tục đất đai tại các khu cụm công nghiệp và đề xuất tập trung phát triển thị trường trong nước nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn chia sẻ, trong quý I/2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề bởi dịch COVID-19, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu ngân sách trên địa bàn. Cùng với việc tích cực triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, Cục Thuế thành phố đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Cục Thuế cũng đặt ra kịch bản cụ thể nhằm bù đắp nguồn thu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2020.

Theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương, trong quý 1/2020, huyện đã lập các chốt kiểm soát, làm tốt công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, đặc biệt là bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Huyện cũng đã huy động trên 7 tấn gạo và hơn 3 tỷ đồng từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm. 435 suất quà gồm 10kg gạo và 500.000 đồng đã được trao tận tay các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Phạm Xuân Phương, quý 2/2020 mới là thời điểm khó khăn lộ diện. Huyện đã xây dựng các kịch bản để phát huy nội lực của địa phương và tận dụng nguồn lực hỗ trợ của thành phố. Huyện cũng rà soát các doanh nghiệp và đồng tình với giải pháp của Cục Thuế về việc đẩy mạnh thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế như thực hiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đôn đốc quyết liệt những công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 9/1/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố và triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, thành phố tổ chức thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết Quốc hội đã ban hành; triển khai nhanh, kịp thời cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục