Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và chương trình "Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ" đã bế mạc tối 2/8.
Đại lễ do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni, Phật tử.
Buổi lễ bế mạc diễn ra trong không khí hân hoan đón mừng sự kiện Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội vừa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, các ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao, hơn 100 đại biểu Việt kiều...
Mở đầu buổi lễ là trích đoạn “Vua Lý Thái Tổ dời đô” do các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội trình diễn, tái hiện hình ảnh vị vua anh minh, với quyết định lịch sử dời đô từ Hoa Lư, khai sáng Kinh đô Thăng Long. Tiếp đó là lễ trao bài vị chân linh tử trận trong chiến tranh Việt Nam đến đại sứ một số nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ sự kiện Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã góp phần tạo dựng nên một Thăng Long-Hà Nội thực sự linh thiêng, thực sự ấn tượng.
Với truyền thống đại nghĩa, bác ái, gác lại quá khứ hướng tới tương lai, tại Đại lễ này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức cầu siêu và trao bài vị chân linh các chiến binh và những người tham gia phục vụ chiến tranh của một số nước đã tham chiến tại Việt Nam trước đây, thể hiện truyền thống nhân ái của Phật giáo và chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam.
Đánh giá về công tác tổ chức Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và chương trình "Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ," Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định đây là hoạt động lễ nghi tâm linh văn hóa truyền thống có quy mô, thời gian, không gian lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Hà Nội.
Những nội dung và chương trình của Đại lễ có sức thu hút to lớn, lưu lại dấu ấn tốt đẹp đối với tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, với cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Cầu truyền hình quốc tế Hà Nội-Vientiane- Paris-UNESCO, với chủ đề “Hòa điệu văn hóa-Khát vọng hòa bình” diễn ra tại chùa Trấn Quốc và Đêm hội hoa đăng “Dấu ấn Thăng Long” tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tối 31/7, để lại ấn tượng đẹp về sự kết tinh trí tuệ Phật pháp và nghệ thuật của cuộc sống, để ánh sáng từ bi và trí tuệ thăng hoa trong dòng chảy nối liền quá khứ, hiện tại và hướng về tương lai tốt đẹp.
“Tinh thần đó đã được nhân lên gấp bội khi đúng 6 giờ 30 sáng 1/8 (giờ Việt Nam ), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản văn hóa của nhân loại.” - Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nói.
Diễn ra từ ngày 27/7 đến 2/8, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội bao gồm nhiều hoạt động như rước Long vị vua Lý Thái Tổ và các bậc danh tăng từ Bắc Ninh về Hà Nội; Rước xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ về Hoàng Thành Thăng Long; Đại lễ cầu quốc thái dân an; Cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước qua các triều đại; Triển lãm cổ vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh Phật giáo; Hội thảo Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; Cầu truyền hình Quốc tế; Lễ hội hoa đăng “Dấu ấn Thăng Long”./.
Đại lễ do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni, Phật tử.
Buổi lễ bế mạc diễn ra trong không khí hân hoan đón mừng sự kiện Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội vừa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, các ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao, hơn 100 đại biểu Việt kiều...
Mở đầu buổi lễ là trích đoạn “Vua Lý Thái Tổ dời đô” do các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội trình diễn, tái hiện hình ảnh vị vua anh minh, với quyết định lịch sử dời đô từ Hoa Lư, khai sáng Kinh đô Thăng Long. Tiếp đó là lễ trao bài vị chân linh tử trận trong chiến tranh Việt Nam đến đại sứ một số nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ sự kiện Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã góp phần tạo dựng nên một Thăng Long-Hà Nội thực sự linh thiêng, thực sự ấn tượng.
Với truyền thống đại nghĩa, bác ái, gác lại quá khứ hướng tới tương lai, tại Đại lễ này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức cầu siêu và trao bài vị chân linh các chiến binh và những người tham gia phục vụ chiến tranh của một số nước đã tham chiến tại Việt Nam trước đây, thể hiện truyền thống nhân ái của Phật giáo và chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam.
Đánh giá về công tác tổ chức Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và chương trình "Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ," Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định đây là hoạt động lễ nghi tâm linh văn hóa truyền thống có quy mô, thời gian, không gian lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Hà Nội.
Những nội dung và chương trình của Đại lễ có sức thu hút to lớn, lưu lại dấu ấn tốt đẹp đối với tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, với cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Cầu truyền hình quốc tế Hà Nội-Vientiane- Paris-UNESCO, với chủ đề “Hòa điệu văn hóa-Khát vọng hòa bình” diễn ra tại chùa Trấn Quốc và Đêm hội hoa đăng “Dấu ấn Thăng Long” tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tối 31/7, để lại ấn tượng đẹp về sự kết tinh trí tuệ Phật pháp và nghệ thuật của cuộc sống, để ánh sáng từ bi và trí tuệ thăng hoa trong dòng chảy nối liền quá khứ, hiện tại và hướng về tương lai tốt đẹp.
“Tinh thần đó đã được nhân lên gấp bội khi đúng 6 giờ 30 sáng 1/8 (giờ Việt Nam ), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản văn hóa của nhân loại.” - Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nói.
Diễn ra từ ngày 27/7 đến 2/8, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội bao gồm nhiều hoạt động như rước Long vị vua Lý Thái Tổ và các bậc danh tăng từ Bắc Ninh về Hà Nội; Rước xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ về Hoàng Thành Thăng Long; Đại lễ cầu quốc thái dân an; Cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước qua các triều đại; Triển lãm cổ vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh Phật giáo; Hội thảo Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; Cầu truyền hình Quốc tế; Lễ hội hoa đăng “Dấu ấn Thăng Long”./.
Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)