Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc

Hội nghị thượng đỉnh G-20 kết thúc tại Seoul, với việc ra tuyên bố chung tập trung vào một số thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 12/11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã kết thúc tại thành phố Seoul, Hàn Quốc, với việc ra tuyên bố chung tập trung vào một số thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề phát triển.

Tuyên bố nêu rõ kể từ sau Hội nghị Toronto ở Canada tháng Sáu vừa qua, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng nguy cơ suy thoái vẫn tồn tại.

Tuyên bố khẳng định các nước thành viên G-20 sẽ thúc đẩy việc thiết lập các hệ thống hối đoái dựa trên thị trường nhiều hơn và tăng cường sự linh hoạt về tỷ giá hối đoái theo hướng phù hợp với những nguyên tắc kinh tế cơ bản và ngăn chặn việc phá giá nội tệ vì mục đích cạnh tranh.

G-20 cam kết hạn chế thực hiện và phản đối việc thực hiện những hoạt động thương mại mang tính bảo hộ dưới mọi hình thức, đồng thời công nhận tầm quan trọng của việc kết thúc nhanh chóng Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu.

Tuyên bố nhấn mạnh các biện pháp tự do hóa thương mại và đầu tư phải dẫn đến tăng trưởng mạnh, lâu bền và cân bằng, đồng thời phải được thực hiện theo cam kết kiên định của G-20 là chống bảo hộ.

G-20 sẽ tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu sự mất cất bằng thương mại và duy trì mức độ mất cân bằng vừa phải. Nhóm sẽ đưa ra những đường hướng chỉ đạo cụ thể, coi đó là cơ chế để xác định những sự mất cân bằng lớn cần được ngăn chặn và điều chỉnh.

G-20 ủng hộ việc chuyển 6% quyền bỏ phiếu trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ các nước phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, đồng thời cam kết sẽ làm việc để hoàn tất việc chuyển giao này thông qua các cuộc họp hàng năm của nhóm trong năm 2012.

Về sự an toàn tài chính và luân chuyển tiền, G-20 cho rằng sự bất ổn định về các nguồn vốn hiện nay phản ánh tốc độ phát triển khác nhau giữa các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi. Tình trạng này đòi hỏi phải có phản ứng của từng quốc gia, từng khu vực và các thể chế đa quốc gia, cũng như phải tăng cường các mạng lới an toàn tài chính toàn cầu.

Theo tuyên bố chung, G-20 tán thành đề xuất của Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng, còn gọi là Basel III, về khung vốn ngân hàng và lượng tiền luân chuyển. Đề xuất này sẽ giúp vực dậy hệ thống ngân hàng toàn cầu thông qua việc tăng cường chất lượng và số lượng, cũng như mức độ nhất quán ở cấp quốc tế về vốn ngân hàng và lượng tiền luân chuyển.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và bậc trung (SME), G-20 khẳng định các thể chế này đóng vai trò sống còn trong việc tạo việc làm và thu nhập. Canada, Hàn Quốc, Mỹ và Ngân hàng phát triển liên Mỹ cam kết ủng hộ 528 triệu USD cho các SME.

Về vấn đề phát triển xanh, G-20 nhất trí hỗ trợ các chính sách phát triển sách do Nhà nước chỉ đạo, giúp tạo điều kiện phát triển các công nghệ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng sạch, đồng thời khuyến khích đầu tư cho công nghệ phát triển năng lượng sạch.

G-20 thừa nhận khu vực châu Phi có thể phát triển nhanh hơn, đồng thời ủng hộ các nỗ lực hội nhập khu vực của các nhà lãnh đạo châu Phi. G-20 cam kết sẽ mời ít nhất hai nước châu Phi tham dự các Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm trên danh nghĩa khách mời không phải là thành viên.

Cũng tại hội nghị lần này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên G-20. Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh lần tới sẽ được tổ chức ở thành phố Cannes thuộc miền Nam nước Pháp vào đầu tháng 11/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục