Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, sáng 10/9, Phiên họp thứ I-“Quốc hội Trẻ em” đã hoàn thành chương trình đề ra và tiến hành bế mạc.
Phiên họp do các đại biểu trẻ em điều hành, gồm em Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa), Chủ tịch “Quốc hội Trẻ em”; em Lê Quang Vinh (Hòa Bình), Phó Chủ tịch Thường trực “Quốc hội Trẻ em.”
Các Phó Chủ tịch “Quốc hội Trẻ em” là các em Đàm Hà My (Bắc Giang), Kiều Quang Huy (Bình Thuận) và Nguyễn Thế Mạnh (Tuyên Quang).
Một phiên họp đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch “Quốc hội Trẻ em” Đặng Cát Tiên cho biết “Quốc hội Trẻ em” đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trẻ em về nội dung “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.”
“Quốc hội” đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng; quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội.
Cùng với đó là triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, phối hợp chặt chẽ các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
“Quốc hội” yêu cầu các cơ quan hữu quan, các cấp, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu đã đề ra trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Chủ tịch “Quốc hội Trẻ em” đề nghị các đại biểu “Quốc hội Trẻ em” sớm báo cáo "Cử tri Trẻ em" cả nước kết quả phiên họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri.
Qua đó động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em và Nghị quyết “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” trong kỳ họp này.
[263 trẻ em đóng vai đại biểu Quốc hội trong Phiên họp giả định]
Chủ tịch “Quốc hội Trẻ em” Đặng Cát Tiên khẳng định, phiên họp đã thành công tốt đẹp, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Trong phiên họp, có 266 lượt đại biểu “Quốc hội Trẻ em” phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và phiên toàn thể. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương và trách nhiệm để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu "Quốc hội Trẻ em" về các vấn đề của phiên họp, đảm bảo các nội dung tốt nhất trình “Quốc hội Trẻ em” xem xét, quyết định.
“Quốc hội Trẻ em” đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao. Đại diện Hội đồng trẻ em các tỉnh, thành phố đã tham gia dự thính để theo dõi trực tiếp phiên họp toàn thể của “Quốc hội.”
“Quốc hội Trẻ em” trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sắc của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lão thành cách mạng, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, "Cử tri Trẻ em" và nhân dân cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị trong quá trình chuẩn bị và diễn ra phiên họp.
Các Đại biểu Trẻ em tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và chủ động vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ nỗ lực tâm huyết của nhân dân, nhất định trẻ em-những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ được bảo vệ phát triển toàn diện, từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em-tương lai của đất nước” đã được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Góp phần đào tạo lớp công dân Việt Nam bản lĩnh, trách nhiệm và trí tuệ
Trao đổi tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các “đại biểu Quốc hội Trẻ em” cùng “Thành viên Chính phủ Trẻ em” đã có phiên thảo luận, chất vấn và giải trình thành công về những vấn đề thời sự, cấp thiết trong chăm lo, bảo vệ cho trẻ em là Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trong công cuộc chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng rất ấn tượng trước sự chững chạc, hiểu biết sâu sắc, tư duy mạch lạc, khả năng hùng biện sắc sảo, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trẻ em đối với những vấn đề "nhỏ mà không nhỏ," ở chính lứa tuổi của mình.
Những câu hỏi, trả lời, ý kiến trao đổi của các em để lại cho người lớn nhiều suy nghĩ rất sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ với những vấn đề sát sườn, thiết thực với trẻ em và chính tương lai đất nước.
Có thể chưa đầy đủ, nhưng những chất vấn, phát biểu của các đại biểu tại phiên họp chính là nguyện vọng của trẻ em Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ. Không chỉ vậy, đây còn là tiếng nói từ tương lai đặt ra với đất nước khi quyết định những vấn đề phát triển ngay từ hôm nay.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong thẩm quyền và trách nhiệm, Phó Thủ tướng và các lãnh đạo, thành viên Chính phủ sẽ luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em, đặc biệt là vấn đề đã được quyết nghị trong Nghị quyết Phiên họp Giả định “Quốc hội Trẻ em” để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ, để hướng tới cộng đồng học tập đoàn kết, trách nhiệm. Đây sẽ là nơi mỗi em đều có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng, sẵn sàng làm chủ tri thức mới, thích ứng với đổi thay, trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm trong tương lai.
Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn ở trường học, không gian công cộng, gia đình và trên môi trường mạng.
Các bên liên quan có giải pháp đẩy mạnh thông tin tích cực, bổ ích, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, con người; ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc, nội dung không phù hợp với thiếu niên, nhi đồng.
Cơ quan chức năng tạo thêm nhiều kênh, diễn đàn để trẻ em biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan đến các em.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành địa phương tiếp tục tổ chức thêm nhiều mô hình hoạt động, sân chơi bổ ích.
Qua đó, các em vừa rèn luyện kỹ năng vừa tham gia thực chất vào các lĩnh vực đời sống xã hội mà các em quan tâm ngay từ trong trường học, cộng đồng dân cư...
Từ đó, góp phần đào tạo những lớp công dân Việt Nam tự tin, bản lĩnh, có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ từ khi còn nhỏ tuổi vì sự phồn vinh, trường tồn của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội./.