Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 14/6, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực của Viện Kiểm sát; công tác cải cách tư pháp; tình trạng chậm xử lý các bản án tử đã tuyên; án treo kinh tế và tham nhũng còn cao...
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành tư pháp
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về giải pháp mang tính đột phá để thực hiện lộ trình cải cách tư pháp, nhất là về tổ chức bộ máy, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Viện trưởng cho biết trước áp lực công việc tư pháp ngày càng nhiều, thời gian qua, Viện luôn chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực thông qua đào cán bộ kiểm sát ở trong nước và nước ngoài. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã được thành lập.
Bên cạnh đó, ngành đặc biệt chú trọng các giải pháp đào tạo tại chỗ, đào tạo thông qua thực tế, qua các vụ án cụ thể, kể cả hình sự, dân sự và hành chính, để các cán bộ trong ngành đúc rút kinh nghiệm. Một trong những tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của ngành là phải đào tạo tại chỗ, phối hợp với tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để đánh giá chất lượng tranh tụng, chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa. Những rút kinh nghiệm này đều có tác dụng rất tốt cho việc trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ của cán bộ. Bước đầu, Viện đã đáp ứng được sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết được sự đồng ý của Quốc hội, Viện đã tổ chức, thực hiện xong việc tăng biên chế đối với những Viện kiểm sát cấp huyện và những đơn vị quan trọng của ngành một cách công khai, minh bạch.
Nhiều biện pháp khắc phục án kinh tế và án tham nhũng "treo"
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) nêu vấn đề: nhiều ý kiến trong quần chúng nhân dân và dư luận cho rằng, việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt, kể từ khâu điều tra, kiểm sát, xét xử. Tỷ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật.
Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, Viện trưởng đã chỉ đạo ngành kiểm sát có biện pháp gì để xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng trong thời gian tới, để thực hiện tốt Nghị quyết số 37 ngày 23/11/2012 của Quốc hội đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, đại biểu chất vấn.
Đồng tình với đánh giá của đại biểu, Viện trưởng thừa nhận án kinh tế và án tham nhũng có tỷ lệ treo cao hơn, tạo ra suy nghĩ là trong công tác đấu tranh, các cơ quan chức năng đã không quyết tâm chống tham nhũng, chống tội phạm kinh tế. Viện trưởng cho biết, tính đến thời điểm này, số lượng án kinh tế và án tham nhũng treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác - bình quân là 21%.
Đối với án kinh tế, cũng là do quan niệm của chính sách hình sự, chú trọng thu hồi được tài sản chiếm đoạt trái phép, thậm chí là phạt và đặc biệt đối với loại tội lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội thì hình phạt phải là hình phạt kinh tế chứ không phải hình phạt tù.
Theo đó, đối với những vụ án kinh tế, khi đã khắc phục hậu quả, đã bị phạt, bị tịch thu tiền, tài sản, hàng hóa, yêu cầu đặt ra hình phạt tù đối với án kinh tế cũng không phải cao. Điều này cũng trở thành định hướng khi sửa đổi Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự sau khi Hiến pháp được thông qua. Đối với án tham nhũng,Viện trưởng khẳng định tất cả các vụ án mà xử án treo cho đến nay đều đã vận dụng đúng pháp luật. Viện đang tập hợp tình hình, có đánh giá và sẽ tổ chức một hội nghị bàn với cơ quan điều tra, tòa án về những biện pháp để giảm án treo trong án tham nhũng.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết về cơ bản, việc các Tòa án cho hưởng án treo đúng pháp luật, một số vụ không đúng pháp luật, chiếm khoảng 0,065% trên tổng số vụ án xét xử. Tòa án Nhân dân tối cao sẽ tiếp tục làm quyết liệt để chấp hành theo tinh thần Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Tòa án Nhân dân tối cao sẽ tiến hành hai giải pháp lớn về mặt tố tụng tư pháp: một là sẽ xây dựng thông tư liên tịch để đảm bảo các điều kiện chấp hành án treo phải đúng pháp luật, đồng thời phải nghiêm, nhất là đối với án tham nhũng; hai là đối với Luật Hình sự, sắp tới Tòa án Nhân dân tối cao cũng sẽ đề xuất, kiến nghị để bổ sung, điều chỉnh lại quy định về án treo, tình tiết giảm nhẹ, đảm bảo pháp luật được thực hiện theo đúng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; đảm bảo nghiêm minh đối với những trường hợp phạm tội cầm đầu, chủ mưu, thủ ác...
Sớm thi hành các án tử hình đã tuyên
Chia sẻ với đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) về nhiều án tử đã tuyên nhưng chưa được thực thi, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết việc kéo dài tình trạng pháp lý đối với bị cáo cũng là một phần nhân đạo của nền tư pháp.
Viện trưởng cho biết giải pháp của ngành Kiểm sát là tăng cường kiểm sát giam giữ. Về lâu dài, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiên trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế để có thông tư hướng dẫn việc thực hiện. Dù có thông tư, để thực thi việc này, Viện đề nghị với Quốc hội xem xét đến việc sửa lại quy định pháp luật về thi hành án tử hình. Trong điều kiện hiện nay, cho phép tồn tại song song hai hình thức: hình thức cũ là bắn và hình thức mới tiêm thuốc độc.
Giải trình bổ sung một số vấn đề thi hành án tử hình, căn cứ vào quy định Pháp luật về thi hành án hình sự, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết Bộ Công an đã khẩn trương triển khai việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Bộ đã ban hành những quy trình để tiến hành thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; tập huấn cho đội ngũ thi hành án hình sự trong công an nhân dân và quân đội nhân dân để áp dụng hình thức này. Bộ cũng đã xây dựng 5 cơ sở để thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc ở 5 khu vực trong cả nước, nhưng có một khó khăn là chưa có thuốc độc để thi hành án vì phải nhập loại thuốc đó ở nước ngoài, do vậy chưa thực hiện được việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các ngành chức năng kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47 ngày 13/5/2013 thay thuốc đó bằng nguồn thuốc sản xuất trong nước. Nghị định 47 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 27/6/2013, sau khi nghị định có hiệu lực, Bộ Công an sẽ tiến hành ngay hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Đẩy mạnh công tác thi hành án gắn với trách nhiệm của ngành kiểm sát
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) về tình hình thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác thi hành án gắn với trách nhiệm của ngành, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp.
Nghị quyết này của Quốc hội đã khẳng định được những kết quả mà các cơ quan tư pháp đã làm được trong trong việc bảo vệ pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự. Để thực hiện Nghị quyết 37, ngành kiểm sát đã tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết này trong toàn ngành. Đặc biệt, Viện đã thực hiện Nghị quyết này theo 3 yêu cầu: khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tư pháp thời gian qua; thực hiện bằng được các chỉ tiêu và coi đây là pháp lệnh của ngành; báo cáo, tập hợp được cho Quốc hội những nội dung liên quan đến Nghị quyết 37.
Giải đáp băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 37 đối với ngành kiểm sát quá cao, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định toàn ngành sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt được những chỉ tiêu mà Nghị quyết 37 của Quốc hội giao.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời, làm rõ hơn một số kiến nghị của các đại biểu về tình trạng nhiều án tuyên không rõ, công tác tranh tụng trước tòa của công tố viên...
Xây dựng một nền tư pháp Việt Nam trong sạch, vững mạnh
Kết luận phần trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: phần đặt câu hỏi và trả lời chất vấn rất sôi nổi, trên tất cả các mặt tư pháp, từ điều tra, giám sát, xét xử cho đến công tác thi hành án.
Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã trả lời rõ và đi thẳng vào từng vấn đề.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các biện pháp để đấu tranh phòng chống có hiệu quả những vụ vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng có những chuyển biến tích cực. Bởi thế, ngành tư pháp đã đảm bảo được tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ ra những tồn tại của công tác tư pháp trong thời gian qua như công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và chưa đáp ứng được sự mong mỏi của Quốc hội cũng như nhân dân cả nước.
Mặt khác, tình hình vi phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp và trên một số lĩnh vực còn có xu hướng gia tăng; công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng hiệu quả chưa cao; hiệu lực răn đe, phòng ngừa còn thấp; chất lượng, tiến độ giải quyết nhiều vụ án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn còn để kéo dài, chưa thật sự nghiêm minh...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trong thời gian tới, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng về quyền công tố và giám sát việc thực hành pháp luật của các cơ quan tư pháp. Viện phải kiểm sát được 100% vụ án ngay từ khi bắt đầu khởi tố; kịp thời điều tra để chống bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; đồng thời cũng phải kiểm sát ngay sự tiêu cực ở trong ngành. Viện cũng phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm việc ra quyết định truy tố cho đúng thời hạn, không kéo dài. Viện Kiểm sát phải tiếp tục nâng tỷ lệ các kháng nghị được Tòa án Nhân dân chấp nhận đạt tỷ lệ cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, trong năm nay, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao phải báo cáo với Quốc hội về toàn bộ tình hình vi phạm tư pháp trong các hoạt động tư pháp, thống kê phân tích tội phạm và đề ra những giải pháp phòng ngừa thuộc trách nhiệm của ngành khác cũng như ngành kiểm sát. Viện Kiểm sát cũng phải sớm khắc tình trạng thiếu cán bộ để phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo số lượng và chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu chung đối với khối tư pháp (Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ) từ nay đến cuối năm 2013 phải phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã được nêu trong Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; đồng thời xây dựng một nền tư pháp Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, dân chủ, văn minh, phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân./.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành tư pháp
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về giải pháp mang tính đột phá để thực hiện lộ trình cải cách tư pháp, nhất là về tổ chức bộ máy, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Viện trưởng cho biết trước áp lực công việc tư pháp ngày càng nhiều, thời gian qua, Viện luôn chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực thông qua đào cán bộ kiểm sát ở trong nước và nước ngoài. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã được thành lập.
Bên cạnh đó, ngành đặc biệt chú trọng các giải pháp đào tạo tại chỗ, đào tạo thông qua thực tế, qua các vụ án cụ thể, kể cả hình sự, dân sự và hành chính, để các cán bộ trong ngành đúc rút kinh nghiệm. Một trong những tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của ngành là phải đào tạo tại chỗ, phối hợp với tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để đánh giá chất lượng tranh tụng, chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa. Những rút kinh nghiệm này đều có tác dụng rất tốt cho việc trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ của cán bộ. Bước đầu, Viện đã đáp ứng được sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết được sự đồng ý của Quốc hội, Viện đã tổ chức, thực hiện xong việc tăng biên chế đối với những Viện kiểm sát cấp huyện và những đơn vị quan trọng của ngành một cách công khai, minh bạch.
Nhiều biện pháp khắc phục án kinh tế và án tham nhũng "treo"
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) nêu vấn đề: nhiều ý kiến trong quần chúng nhân dân và dư luận cho rằng, việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt, kể từ khâu điều tra, kiểm sát, xét xử. Tỷ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật.
Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, Viện trưởng đã chỉ đạo ngành kiểm sát có biện pháp gì để xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng trong thời gian tới, để thực hiện tốt Nghị quyết số 37 ngày 23/11/2012 của Quốc hội đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, đại biểu chất vấn.
Đồng tình với đánh giá của đại biểu, Viện trưởng thừa nhận án kinh tế và án tham nhũng có tỷ lệ treo cao hơn, tạo ra suy nghĩ là trong công tác đấu tranh, các cơ quan chức năng đã không quyết tâm chống tham nhũng, chống tội phạm kinh tế. Viện trưởng cho biết, tính đến thời điểm này, số lượng án kinh tế và án tham nhũng treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác - bình quân là 21%.
Đối với án kinh tế, cũng là do quan niệm của chính sách hình sự, chú trọng thu hồi được tài sản chiếm đoạt trái phép, thậm chí là phạt và đặc biệt đối với loại tội lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội thì hình phạt phải là hình phạt kinh tế chứ không phải hình phạt tù.
Theo đó, đối với những vụ án kinh tế, khi đã khắc phục hậu quả, đã bị phạt, bị tịch thu tiền, tài sản, hàng hóa, yêu cầu đặt ra hình phạt tù đối với án kinh tế cũng không phải cao. Điều này cũng trở thành định hướng khi sửa đổi Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự sau khi Hiến pháp được thông qua. Đối với án tham nhũng,Viện trưởng khẳng định tất cả các vụ án mà xử án treo cho đến nay đều đã vận dụng đúng pháp luật. Viện đang tập hợp tình hình, có đánh giá và sẽ tổ chức một hội nghị bàn với cơ quan điều tra, tòa án về những biện pháp để giảm án treo trong án tham nhũng.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết về cơ bản, việc các Tòa án cho hưởng án treo đúng pháp luật, một số vụ không đúng pháp luật, chiếm khoảng 0,065% trên tổng số vụ án xét xử. Tòa án Nhân dân tối cao sẽ tiếp tục làm quyết liệt để chấp hành theo tinh thần Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Tòa án Nhân dân tối cao sẽ tiến hành hai giải pháp lớn về mặt tố tụng tư pháp: một là sẽ xây dựng thông tư liên tịch để đảm bảo các điều kiện chấp hành án treo phải đúng pháp luật, đồng thời phải nghiêm, nhất là đối với án tham nhũng; hai là đối với Luật Hình sự, sắp tới Tòa án Nhân dân tối cao cũng sẽ đề xuất, kiến nghị để bổ sung, điều chỉnh lại quy định về án treo, tình tiết giảm nhẹ, đảm bảo pháp luật được thực hiện theo đúng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; đảm bảo nghiêm minh đối với những trường hợp phạm tội cầm đầu, chủ mưu, thủ ác...
Sớm thi hành các án tử hình đã tuyên
Chia sẻ với đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) về nhiều án tử đã tuyên nhưng chưa được thực thi, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết việc kéo dài tình trạng pháp lý đối với bị cáo cũng là một phần nhân đạo của nền tư pháp.
Viện trưởng cho biết giải pháp của ngành Kiểm sát là tăng cường kiểm sát giam giữ. Về lâu dài, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiên trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế để có thông tư hướng dẫn việc thực hiện. Dù có thông tư, để thực thi việc này, Viện đề nghị với Quốc hội xem xét đến việc sửa lại quy định pháp luật về thi hành án tử hình. Trong điều kiện hiện nay, cho phép tồn tại song song hai hình thức: hình thức cũ là bắn và hình thức mới tiêm thuốc độc.
Giải trình bổ sung một số vấn đề thi hành án tử hình, căn cứ vào quy định Pháp luật về thi hành án hình sự, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết Bộ Công an đã khẩn trương triển khai việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Bộ đã ban hành những quy trình để tiến hành thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; tập huấn cho đội ngũ thi hành án hình sự trong công an nhân dân và quân đội nhân dân để áp dụng hình thức này. Bộ cũng đã xây dựng 5 cơ sở để thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc ở 5 khu vực trong cả nước, nhưng có một khó khăn là chưa có thuốc độc để thi hành án vì phải nhập loại thuốc đó ở nước ngoài, do vậy chưa thực hiện được việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các ngành chức năng kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47 ngày 13/5/2013 thay thuốc đó bằng nguồn thuốc sản xuất trong nước. Nghị định 47 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 27/6/2013, sau khi nghị định có hiệu lực, Bộ Công an sẽ tiến hành ngay hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Đẩy mạnh công tác thi hành án gắn với trách nhiệm của ngành kiểm sát
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) về tình hình thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác thi hành án gắn với trách nhiệm của ngành, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp.
Nghị quyết này của Quốc hội đã khẳng định được những kết quả mà các cơ quan tư pháp đã làm được trong trong việc bảo vệ pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự. Để thực hiện Nghị quyết 37, ngành kiểm sát đã tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết này trong toàn ngành. Đặc biệt, Viện đã thực hiện Nghị quyết này theo 3 yêu cầu: khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tư pháp thời gian qua; thực hiện bằng được các chỉ tiêu và coi đây là pháp lệnh của ngành; báo cáo, tập hợp được cho Quốc hội những nội dung liên quan đến Nghị quyết 37.
Giải đáp băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 37 đối với ngành kiểm sát quá cao, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định toàn ngành sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt được những chỉ tiêu mà Nghị quyết 37 của Quốc hội giao.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời, làm rõ hơn một số kiến nghị của các đại biểu về tình trạng nhiều án tuyên không rõ, công tác tranh tụng trước tòa của công tố viên...
Xây dựng một nền tư pháp Việt Nam trong sạch, vững mạnh
Kết luận phần trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: phần đặt câu hỏi và trả lời chất vấn rất sôi nổi, trên tất cả các mặt tư pháp, từ điều tra, giám sát, xét xử cho đến công tác thi hành án.
Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã trả lời rõ và đi thẳng vào từng vấn đề.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các biện pháp để đấu tranh phòng chống có hiệu quả những vụ vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng có những chuyển biến tích cực. Bởi thế, ngành tư pháp đã đảm bảo được tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ ra những tồn tại của công tác tư pháp trong thời gian qua như công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và chưa đáp ứng được sự mong mỏi của Quốc hội cũng như nhân dân cả nước.
Mặt khác, tình hình vi phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp và trên một số lĩnh vực còn có xu hướng gia tăng; công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng hiệu quả chưa cao; hiệu lực răn đe, phòng ngừa còn thấp; chất lượng, tiến độ giải quyết nhiều vụ án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn còn để kéo dài, chưa thật sự nghiêm minh...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trong thời gian tới, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng về quyền công tố và giám sát việc thực hành pháp luật của các cơ quan tư pháp. Viện phải kiểm sát được 100% vụ án ngay từ khi bắt đầu khởi tố; kịp thời điều tra để chống bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; đồng thời cũng phải kiểm sát ngay sự tiêu cực ở trong ngành. Viện cũng phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm việc ra quyết định truy tố cho đúng thời hạn, không kéo dài. Viện Kiểm sát phải tiếp tục nâng tỷ lệ các kháng nghị được Tòa án Nhân dân chấp nhận đạt tỷ lệ cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, trong năm nay, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao phải báo cáo với Quốc hội về toàn bộ tình hình vi phạm tư pháp trong các hoạt động tư pháp, thống kê phân tích tội phạm và đề ra những giải pháp phòng ngừa thuộc trách nhiệm của ngành khác cũng như ngành kiểm sát. Viện Kiểm sát cũng phải sớm khắc tình trạng thiếu cán bộ để phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo số lượng và chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu chung đối với khối tư pháp (Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ) từ nay đến cuối năm 2013 phải phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã được nêu trong Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; đồng thời xây dựng một nền tư pháp Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, dân chủ, văn minh, phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân./.
Nguyễn Cường (TTXVN)