Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên và lớn nhất thế giới, đã tăng giá 40% trong tháng 1, hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021 và là tháng 1 tốt thứ nhì trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tiền kỹ thuật số đã qua giai đoạn tồi tệ nhất?
Ngày 16/2, đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin (BTC) đạt mức cao nhất trong 8 tháng qua khi tăng lên mức 25.000 USD/BTC.
Như vậy, Bitcoin đã tăng 50% kể từ đầu năm nay, bất chấp áp lực từ các cơ quan quản lý Mỹ đang lo ngại về sự biến động của loại tiền này.
Đà tăng của đồng tiền dễ biến động này diễn ra bất chấp áp lực từ các cơ quan quản lý Mỹ.
Bitcoin tăng lên mức 25.249 USD/BTC vào ngày giao dịch 16/2, mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, mặc dù vẫn còn cách xa mức đỉnh 68.992 USD/BTC đạt được vào tháng 11/2021.
Đây cũng là lần đầu tiên đồng tiền này chạm ngưỡng 25.000 USD kể từ tháng 8/2022.
[Khoảng 75% các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số Bitcoin bị thua lỗ]
Mức tăng trưởng này của đồng Bitcoin thể hiện triển vọng lạc quan hơn của nền kinh tế thế giới, với việc các thị trường toàn cầu, gồm cả tiền kỹ thuật số, với các sàn giao dịch chứng khoán Paris và London đạt mức cao nhất mọi thời đại vào cùng ngày.
Craig Erlam, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Mặc dù các cuộc kiểm soát theo quy định tiếp tục gây ra một số bất lợi cho thị trường tiền kỹ thuật số, nhưng rõ ràng ngày càng có nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm rằng điều tồi tệ nhất đã qua và năm 2023 có thể là một năm tốt đẹp hơn nhiều.”
Hiện Mỹ đang thắt chặt kiểm soát lĩnh vực tiền kỹ thuật số sau cuộc phá sản gần đây của sàn FTX và Alameda Research khiến nhiều người hoang mang.
Sự sụp đổ của FTX, sàn giao dịch kỹ thuật số nổi tiếng nhất thế giới, khiến 9 triệu khách hàng lao đao, trong đó có nhiều nhà đầu tư Việt Nam. Nhóm Telegram chính thức của FTX dành cho người Việt Nam có gần 10.000 thành viên đã ngừng hoạt động ngay sau sự việc, nhiều người không thể giao dịch rút tiền.
Hơn nữa, việc nhà đồng sáng lập Sam Bankman-Fried bị truy tố về tội lừa đảo đã khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào những lời hứa lạc quan về triển vọng của tiền kỹ thuật số.
Chị V.H.V (Hà Nội) cho biết chị lựa chọn đầu tư khá nhiều tiền vào FTX vì tin tưởng vào độ uy tín của sàn giao dịch này. Sau đó, chị đã tìm kiếm các kênh đầu tư khác mà chị cho là an toàn hơn thay vì tiền kỹ thuật số.
Tuy nhiên, theo Vijay Ayyar, Phó Chủ tịch tại sàn giao dịch điện tử Luno, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường tiền kỹ thuật số đã chạm đáy vào tháng 11/2022, và hiện đang chuyển sang xu hướng tăng, bất chấp các tin tức xấu liên tục bủa vây.
Ông Vijay Ayyar nhận định rằng những dấu hiệu trên cho thấy những điều tồi tệ đã qua rồi.
Yuya Hasegawa, một nhà phân tích tại công ty tiền kỹ thuật số Nhật Bản Bitcoin Bank, cho biết các nhà đầu tư đang dịch chuyển dần từ các loại altcoin sang Bitcoin.
Tốc độ tăng đáng kinh ngạc của Bitcoin, tâm lý lạc quan tin tưởng rằng tình hình suy thoái kinh tế thế giới không quá tệ như dự đoán, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu "rón rén" quay trở lại với tiền kỹ thuật số.
Theo số liệu từ hãng quản lý tài sản CoinShares, vào cuối tháng 1, các sản phẩm đầu tư vào sàn tiền kỹ thuật số đã thu hút hơn 117 triệu USD, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Bitcoin thu hút nhiều nhất, với 116 triệu USD. Tổng tài sản thuộc quản lý của các quỹ tiền điện tử đã đạt 28 tỷ USD, tăng 43% so với tháng 11 năm ngoái, khi sàn giao dịch tiền số FTX gây ra cơn chấn động trong toàn ngành.
“Phần lớn mọi người đã tin tưởng hơn so với cách đây 1 tháng,” Joseph Edwards, một cố vấn đầu tư tại hãng chứng khoán Enigma, đánh giá.
Đà tăng này, kết hợp với bức tranh vĩ mô tươi sáng hơn, khiến nhiều nhà đầu tư hy vọng "mùa Đông tiền số " cuối cùng sẽ chuyển sang Xuân.
Anh L.N.T (Hà Nội) cho biết anh vẫn tiếp tục duy trì kênh đầu tư vào tiền kỹ thuật số. Theo anh, tất cả những gì mới khởi đầu đều phải trải qua những khó khăn. Tiền kỹ thuật số đã trải qua giai đoạn đen tối nhất.
Lý do anh tiếp tục lựa chọn tiền kỹ thuật số bởi khác với các loại tài sản từng gây ra các "bong bóng đầu tư" khác, đây là hình thức tài sản rất mới, thể hiện sự ưu việt của công nghệ, và do đó, nó có triển vọng của một loại hình giao dịch của tương lai.
“Nếu đỉnh lạm phát thực sự đã ở sau lưng chúng ta, lãi suất dài hạn có thể giảm xuống khi chúng ta chuẩn bị kết thúc chu kỳ tăng lãi suất để chống lạm phát. Điều này có thể báo hiệu động lực tích cực về vĩ mô đối với các tài sản như Bitcoin”, các nhà phân tích của hãng quản lý tài sản số Fidelity đánh giá.
Quan chức Fed cảnh báo tiền kỹ thuật số có thể về 0
Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số liệu đã thực sự khởi sắc. Mới đây, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller đã cảnh báo giá tiền kỹ thuật số có thể giảm xuống 0 trong tương lai.
Phát biểu trong Hội nghị Trung tâm Phụ thuộc lẫn nhau Toàn cầu về “tiền kỹ thuật số tài chính phi tập trung và câu đố về tiền mã hoá” diễn ra vài hôm trước, Thống đốc Christopher Waller đã cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro của kênh tiền kỹ thuật số.
“Đối với tôi, tiền kỹ thuật số chỉ đơn thuần là tài sản đầu cơ, giống như thẻ bóng chày. Nếu bạn tin rằng người khác sẽ mua tiền kỹ thuật số từ họ với giá dương, thì nó sẽ có mức giá dương ngày hôm nay, và ngược lại, giá của nó có thể chỉ bằng 0."
Christopher Waller cảnh báo rằng nếu nhà đầu tư mua tài sản tiền mã hóa thì họ đừng ngạc nhiên khi giá giảm xuống 0 vào một thời điểm nào đó và đừng mong đợi những người nộp thuế sẽ bù đắp khoản lỗ của họ. Đặc biệt khi một số công ty lớn liên quan đến tiền kỹ thuật số đã phải nộp đơn xin phá sản, bao gồm nền tảng thanh toán, sàn giao dịch, người cho vay tiền kỹ thuật số và quỹ phòng hộ.
Luận điểm của Waller cho thấy nội bộ Fed vẫn chưa đạt được tiếng nói chung về việc đưa ra các chính sách quản lý với Bitcoin, tiền kỹ thuật số cũng như thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm USD kỹ thuật số.
Những rủi ro của tiền kỹ thuật số tại Việt Nam
Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/07/2017 gửi Văn phòng Chính phủ đã khẳng định:
"Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm."
Do đó, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo.
Vì vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền kỹ thuật số do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số, sản phẩm ảo vì chúng không được pháp luật bảo hộ.
Do đó, người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền kỹ thuật số.
Những sàn giao dịch này thường không có đăng ký kinh doanh và trụ sở tại Việt Nam, do một nhóm đối tượng ẩn danh điều hành. Giống như mọi hình thức bán hàng đa cấp khác, những nhóm đối tượng này cũng thường xuyên đăng những bài viết chia sẻ kinh nghiệm đầu tư hay "khoe" lãi khủng để lôi kéo mọi người tham gia.
Hình thức hoạt động của những sàn giao dịch này tương tự nhưng các trò cá cược bóng đá trực tuyến, tài xỉu online, mà trong đó người chơi sẽ đặt cược tiền để nhập các lệnh dự đoán về các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số, cổ phiếu...
Sau khi thu hút được một lượng lớn tiền đặt cược, các đối tượng này sẽ "hack" các sàn giao dịch, chiếm quyền của các tài khoản, đánh sập sàn giao dịch và ôm trọn số tiền đặt cược của các nạn nhân.
Cũng như mọi hình thức đầu tư tín dụng đen khác, những hành vi lừa đảo liên quan đến tiền kỹ thuật số thực chất chỉ là đánh vào lòng ham mê lãi "khủng" của người chơi.
Do đó, để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, nhà đầu cần đặc biệt chú ý hai điều mỗi khi được mời gọi đầu tư. Thứ nhất là cần kiểm tra tính pháp lý của các dự án mà họ đươc mời tham gia, và thứ hai, đặc biệt quan trọng, là tuyệt đối không tin tưởng vào những dự án cam kết mức lợi nhuận rất cao, không thực tế./.