Sáng nay, 14/12, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đặt tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra cảnh báo “màu tím,” ngưỡng ô nhiễm không khí “rất xấu” và nhận định “những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.”
Thông báo của Tổng cục Môi trường trong sáng nay cũng khẳng định trong tuần qua (từ ngày 7-13/12) mức độ ô nhiễm không khí cũng liên tiếp có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng "rất xấu."
Ô nhiễm không khí tới ngưỡng "rất xấu"
Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 10 giờ sáng nay cho thấy kết quả chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên đến 186, ở ngưỡng “đỏ” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.
Cổng thông tin quan trắc môi trường của thành phố Hà Nội sáng nay cũng đưa ra cảnh báo màu “đỏ” và “tím” cở nhiều điểm quan trắc. Trong đó, có điểm chỉ số AQI lên tới 279. Đây là ngưỡng ô nhiễm “rất xấu,” ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual vào lúc 11 giờ 15 cũng đưa ra cảnh báo nhiều khu vực ở Hà Nội bị ô nhiễm ở mức nguy hại, có chỉ số AQI lên tới 281. Với chỉ số này, Hà Nội được xếp đầu tiên trong top 10 thành phố có ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, việc xuất hiện này chỉ là tức thời, theo thời gian thực.
Đến thời điểm 12 giờ, chỉ số AQI tại Hà Nội đã giảm xuống còn 251. Trong đó, chỉ số AQI tại khu vực Hồ Tây là 302; Yên Hòa 250; Thành Công 233...
Ghi nhận trên trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air vào lúc 11 giờ sáng nay cũng cho thấy, chỉ số chất lượng không khí ở hầu hết các điểm quan trắc đều ở hai ngưỡng “màu đỏ” phổ biến từ 165 - 199. Ở ngưỡng này, chất lượng ô nhiễm không khí được xác định là “xấu.”
[Ô nhiễm bụi mịn ở mức cao, hạn chế hoạt động ngoài trời vào buổi sáng]
Thậm chí, nhiều điểm ứng dụng online Pam Air còn ghi nhận thấy ngưỡng “màu tím” (mức rất xấu, cảnh báo khẩn cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, từ 210 - 300) như: chỉ số AQI tại khu vực Nam Từ Liêm 245; Hàng Quạt 222; Bà Triệu 216.
Đến thời điểm 12 giờ, chỉ số chất lượng không khí ở hầu hết các điểm quan trắc bằng ứng dụng online Pam Air tại khu vực Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng “màu đỏ” và “màu tím” - tình trạng này khác với những ngày trước đó là càng về trưa, chỉ số ô nhiễm có xu hướng giảm xuống.
Đáng chú ý, không chỉ riêng Hà Nội, mà hều hết các điểm quan trắc bằng ứng dụng online Pam Air đặt tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình ở ngưỡng “màu đỏ” và “màu tím,” không tốt cho sức khỏe.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) sau nhiều ngày theo dõi đã nhận định đây là đợt ô nhiễm không khí lớn ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội. Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng.
Chỉ số ô nhiễm liên tiếp vượt quá giới hạn cho phép
Cũng trong sáng nay, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra thông báo đánh giá mức độ ô nhiễm không khí trong tuần này (từ ngày 7-13/12) có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13/12, chỉ số AQI ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.
Tại các thành phố, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 từ đầu tháng 12 tới nay, nhìn chung, có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7-12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép.
Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Kết quả tính toán AQI ban ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9-12/12, tại Việt Trì và Huế, chất lượng không khí đã chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12.
Từ ngày 7-12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại Hà Nội liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11-12/12.
Kết quả tính toán AQI ban ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).
Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12. Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau.
Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày. Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này.
Theo dự báo thời tiết, khoảng thứ 4 tuần sau (ngày 18/12) có thể có mưa, do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu. Mọi người nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.
Thiếu cảnh báo từ cấp địa phương
Mặc dù ô nhiễm không khí ngày càng tệ hơn và trải qua nhiều ngày liên tiếp, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội chưa có thêm khuyến cáo gì ngoài dòng thông tin vắn tắt: “AIQ 236 - mọi người bị ảnh hưởng tới sức khoẻ nghiêm trọng hơn.”
Trao đổi với báo chí về hiện trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng khi chỉ số chất lượng không khí xấu đột ngột, xấu kéo dài thì lãnh đạo địa phương phải lập tức chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân chính.
Nhiều nơi, qua quan trắc thấy hiện tượng đốt chất thải, rác thải rất kinh khủng mà chính quyền địa phương vẫn xem nhẹ. Thậm chí cũng không có đợt kiểm tra cao điểm nào về chấp hành quy định về môi trường trong hoạt động xây dựng.
Điều khiến vị chuyên gia Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lo ngại là, việc các địa phương gần như đã hình thành tâm lý “thời tiết là ông trời, thời tiết không thuận thì phải chịu,” trong khi rất nhiều nguồn thải ô nhiễm không khí là từ hoạt động của con người.
Theo ông Tùng, hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp cấp bách để làm giảm mức độ ô nhiễm không khí, đó là kiểm tra, xử lý triệt để các điểm đốt chất thải, rác không đúng quy định; kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về bụi ở các công trình xây dựng; phun rửa đường để làm giảm bớt nguồn bụi phát tán trong không khí.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng có thể xác định vùng hạn chế phương tiện giao thông, nhất là thời điểm cuối năm khi các phương tiện đổ dồn về thành phố, phân luồng các phương tiện để giảm bớt tình trạng ùn tắc, giảm ô nhiễm./.