Bộ trưởng Tài chính: Hoàn thiện thể chế tài chính thúc đẩy tăng trưởng

Trung bình hàng năm Bộ Tài chính trình Quốc hội, UBTVQH thông qua 3-4 luật, nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 30-40 nghị định, quyết định của Thủ tướng, ban hành theo thẩm quyền 150-180 thông tư.
Bộ trưởng Tài chính: Hoàn thiện thể chế tài chính thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành tài chính đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo Bộ trưởng, trung bình hàng năm Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3-4 luật, nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 30-40 nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 150-180 thông tư.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã hoàn thành 15/18 đề án nhiệm vụ được giao.

Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 9 nghị định, xem xét ban hành 9 dự thảo nghị định và 9 đề án khác; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, xem xét ban hành 1 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 37 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính-ngân sách Nhà nước. Trong số đó, có nhiều cơ chế chính sách cấp bách phát sinh, không có trong kế hoạch nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính.

Mặc dù số lượng văn bản Bộ Tài chính được giao chủ trì luôn rất lớn, nhiều nội dung phức tạp nhưng Bộ luôn hoàn thành Chương trình xây dựng pháp luật với tỷ lệ cao và thường là trên 95%. Hệ thống pháp luật về tài chính-ngân sách ngày càng được hoàn thiện, tác động tích cực đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó, có nhiều chính sách để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc nhất định. Thể chế pháp luật tài chính chưa bao quát hết được các vấn đề trong đời sống kinh tế xã hội. Một số quy định chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được khắc phục triệt để.... Trong khi đó, nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính giai đoạn tới là hết sức quan trọng và nặng nề với yêu cầu ngày càng cao.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giai đoạn 2021-2025 là thời điểm rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Do đó, trong xây dựng và quản lý điều hành tài chính-ngân sách phải tích cực nhưng thận trọng. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động trong hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước; đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính.

Thời gian qua, cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị về việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính trong tình hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo đó, Chỉ thị được ban hành nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính. Cùng đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính, đảm bảo quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo đúng quy định, khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

[Chủ tịch Quốc hội: "1 đồng mà không cần thiết thì cũng không chi"]

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính quán triệt việc ban hành chính sách pháp luật tài chính phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo khi đề xuất, xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phải chắc chắn, làm tốt từng khâu, ưu tiên cao nhất cho chất lượng nhưng phải đảm bảo yêu cầu về thời hạn xây dựng; tăng cường khâu rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, chống tiêu cực ngay trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

"Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm," "lợi ích cục bộ" trong văn bản quy phạm pháp luật," Bộ trưởng nói.

Dự báo thời gian tới sẽ còn không ít khó khăn, Bộ trưởng cho biết ngành tài chính sẽ xây dựng và quản lý điều hành tài chính-ngân sách tích cực nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để làm được điều này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh phải tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính; tăng cường hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính-ngân sách với quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ công phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kế toán kiểm toán…

Cùng với đó, ngành tài chính tiếp tục quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối, chiến lược xây dựng và phát triển đất nước trong Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng đề ra, trên cơ sở đó thể chế hóa vào hệ thống pháp luật tài chính. Đồng thời, hoàn thiện thể chế tài chính góp phần phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc hoàn thiện thể chế tài chính cần tiếp tục gắn với cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thể chế tài chính phải tiếp cận nhanh với các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của việc hội nhập.

Riêng về tài chính-ngân sách, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân sách nhà nước một cách đồng bộ, bao gồm cả tái cơ cấu về thu cũng như chi ngân sách và quản lý nợ công theo yêu cầu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục