Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng không nên cho phép mở tài khoản bằng đồng Bitcoin tại các ngân hàng Thụy Sĩ để phòng tránh nguy cơ bị sử dụng cho các hoạt động phi pháp.
Ông Mnuchin cam kết cùng làm việc với chính phủ các nước khác, trong đó có các thành viên thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), để giám sát hoạt động của những đối tượng đầu tư mạnh vào đồng tiền kỹ thuật số này.
Quy định của Mỹ yêu cầu các ngân hàng phải có thông tin về những khách hàng có tài khoản bẳng đồng Bitcoin nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng rửa tiền và các hoạt động phi pháp khác.
Ông Mnuchin thừa nhận rằng ngân hàng trung ương một số nước đang nghiên cứu khả năng tạo ra các đồng tiền kỹ thuật số thay cho việc phát hành tiền mặt, song cho hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa xem xét vấn đề này.
Trước đó, trong một phát biểu với nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, ông Ewald Nowotny, thành viên Hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kêu gọi các chính phủ quản lý và đánh thuế đối với Bitcoin, cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này là một mục tiêu của hoạt động đầu cơ và là công cụ rửa tiền.
[Infographics] Những đồng tiền ảo đáng chú ý nhất ngoài Bitcoin
Những bình luận của vị Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo này cũng trùng với quan điểm với các quan chức khác của ECB, cho rằng sự gia tăng giá trị ngoạn mục của Bitcoin là một dạng “bong bóng," chứ không phải là dấu hiệu cho thấy đồng tiền ảo này có thể cạnh tranh với đồng euro đang được 19 quốc gia thành viên sử dụng.
Bitcoin là một mối quan ngại đối với ngân hàng trung ương các nước, vì nó có thể cho phép tội phạm thực hiện các hành vi rửa tiền.
Ra đời năm 2009, Bitcoin có lẽ là đồng tiền ảo được biết đến nhiều nhất. Giá trị của đồng tiền này đã tăng gần 20 lần trong năm 2017, nhưng gần đây có dấu hiệu mất đà sau khi chính phủ các nước và giới phân tích lần lượt đưa ra các lời cảnh báo về những rủi ro và sự bất ổn liên quan đến các đồng tiền kỹ thuật số./.