Bốn ngân hàng lớn dính bê bối thao túng lãi suất

Credit Agricole, HSBC, Deutsche Bank và Societe Generale đang bị điều tra vì liên quan tới vụ bê bối thao túng lãi suất Libor.
Tờ Financial Times ngày 19/7 cho biết, nhà chức trách đang điều tra bốn ngân hàng Credit Agricole, HSBC, Deutsche Bank và Societe Generale liên quan tới một vụ bê bối thao túng lãi suất Libor đã khiến người đứng đầu ngân hàng Barclays ở Anh mất ghế.
Bốn ngân hàng lớn dính bê bối thao túng lãi suất ảnh 1
Vụ bê bối Libor đã khiến Giám đốc điều hành Bob Diamond của Barclays mất ghế (Nguồn: Telegraph)
Dẫn các nguồn tin gần với cuộc điều tra, FT nói nhà chức trách đang kiểm tra bằng chứng về liên hệ giữa những tay môi giới ở cả bốn ngân hàng và người giao dịch trước kia làm cho Barlays, Philippe Moryoussef. Nhà điều hành các sản phẩm tài chính tương lai của Mỹ, Ủy ban giao dịch tài sản tương lai, mới đây đã cáo buộc một giao dịch viên không nêu tên “tiến hành một nỗ lực thao túng các chiến lược giao dịch của các giao dịch viên tại nhiều ngân hàng.” Giao dịch viên này bị báo chí tình nghi là Moryoussef. Tổ chức điều hành tài chính ở Anh, Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA), đang điều tra bảy định chế liên quan tới vụ bê bối này, quan chức cấp cao Tracey Dermott của FSA nói với các nghị sĩ ngày thứ Hai và khẳng định vụ điều tra không chỉ dính tới các ngân hàng của Anh. Barclays đã bị phạt 290 triệu bảng (452 triệu USD) sau khi thừa nhận tìm cách thao túng lãi suất Libor và Euribor giai đoạn 2005 đến 2009. Libor (London Interbank Offered Rate: Lãi suất liên ngân hàng đề nghị tại London) là một công cụ tài chính cơ bản của Anh được sử dụng để làm mốc cho các mức lãi suất trên toàn thế giới, còn Euribor là công cụ tương tự của khối đồng euro. Lãi suất này đóng vai trò chủ chốt trên các thị trường tài chính toàn cầu, ảnh hưởng tới gần như mọi giao dịch vay trả của các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục