Bóng đá Singapore:Nghịch lý đi tắt đón đầu

Singapore đang phải trả giá đắt cho chiến lược đi tắt đón đầu, với môn thể thao vua. Cảm giác như nền bóng đá nước này đang thở gấp, trước khi “chết” thực sự ở tương lai gần.

Singapore đang phải trả giá đắt cho chiến lược đi tắt đón đầu, với môn thể thao vua. Cảm giác như nền bóng đá nước này đang thở gấp, trước khi “chết” thực sự ở tương lai gần.

Khi “biểu tượng” nói dối

Indra Sahdan Daud – cầu thủ vẫn được gọi với cái tên rất danh giá “Golden Boy” (Cậu bé Vàng) của bóng đá Singapore buộc phải hồi hương, sau khi thử việc thất bại tại Câu lạc bộ hạng nhất Việt Nam- Hòa Phát Hà Nội (cuối tháng 12.2008). Nhưng tại Singapore, thông tin này được đội trưởng Singapore lái sang một hướng khác.

“Anh ấy phát biểu với báo chí Singapore rằng, khí hậu ở Việt Nam rất nóng và không thích hợp với cơ địa của người Singapore. Ngoài ra, thức ăn thì dở tệ và giao thông rất không ổn. Nhưng lý do cơ bản nhất khiến Indra không muốn gắn bó với Việt Nam là trình độ của các Câu lạc bộ ở đây, mà cụ thể là V-League, quá thường. Với họ, mức lương 10 ngàn đô Singapore/tháng (thù lao của Indra Sahdan Daud khi còn khoác áo Home United) là điều không tưởng…” – trợ lý Câu lạc bộ Balestier Khalsa, Kanan Vedhamuthu cho biết.

Dù được Kanan Vedhamuthu giúp đỡ trong việc “săn” Indra Sahdan để hỏi cho ra nhẽ quãng ngày cầu thủ này thử việc ở Việt Nam, nhưng chúng tôi đã thất bại, vì tiền đạo hiện đang khoác áo Sengkang Punggol thẳng thừng từ chối lời đề nghị của phóng viên Việt Nam.

Không ai phủ nhận sự nổi tiếng của tiền đạo đội trưởng Singapore, nhưng một thực tế phũ phàng rằng, Indra (30 tuổi) đã qua sườn bên kia của sự nghiệp. Cảm giác việc Huấn luyện viên trưởng Raddy Avramovic gọi Indra Sahdan Daud vào thành phần tuyển Singapore tại AFF Suzuki Cup 2008 như thể một đặc ân hoặc nữa là do chịu quá nhiều sức ép từ dư luận.

Mang chiếc băng đội trưởng trên tay, nhưng những đóng góp của Indra cho tuyển Singapore rất hạn chế. Một cầu thủ đã qua sườn bên kia của sự nghiệp và việc anh thất bại sau thời gian thử việc ở Hòa Phát Hà Nội (đội bóng hạng Nhất, chứ không phải V-League như lời Indra Sahdan Daud phát biểu) là có thật, thì liệu những thông tin từ Indra mang bao nhiêu phần trăm đảm bảo? Biểu tượng” mới của bóng đá Singapore đã nói xấu bóng đá Việt Nam!

Để tường tận điều này, chúng tôi đã tìm gặp Huấn luyện viên Home United – Narayanan Nair Sivaji và được ông cho biết: “Indra Sahdan Daud có ngỏ ý muốn quay lại đội bóng cũ, nơi mà anh đã gắn bó và thành danh suốt 8 năm qua, nhưng tôi không chấp nhận. Đội bóng đã và đang xây dựng lối chơi không có Indra. Cần phải thẳng thắn rằng, khả năng của cậu ấy bây giờ đã kém trước rất nhiều.”

Sau Fandi Ahmad và Sundramoorthy, Indra Sahdan Daud được ví như biểu tượng mới của bóng đá Singapore, là cầu thủ - hậu duệ đáng kể nhất của nền bóng đá đảo quốc sư tử. Nhưng ngay cả bây giờ, Indra cũng đã là dĩ vãng, khi anh buộc phải về đầu quân cho Câu lạc bộ yếu nhất nhì S-League, Sengkang Punggol.

Sự xuống cấp mang tính hệ thống

Với bộ phận những người Singapore yêu bóng đá (phần còn lại, có đến hơn 50% dân số Sing, không quan tâm đến môn thể thao vua), vẫn chưa hết bàng hoàng sau thất bại của ĐTQG nước này trước Việt Nam tại bán kết AFF Suzuki Cup 2008. Ai đó tinh ý đã tiên đoán rằng, thời của “bóng đá nhập khẩu” đã kết thúc. Trong khi những ngôi sao sáng nhất “made in Singapore” cỡ Indra Sahdan Daud hay Noh Alam Shar, đã và đang tắt lịm. Một biểu hiện cho sự đi xuống mang tính hệ thống của nền bóng đá, chứ không phải nhất thời.

Trận đấu giữa Home United – đội bóng nằm trong tốp các Câu lạc bộ giàu truyền thống nhất Singapore, với Becamex Bình Dương trong khuôn khổ AFC Cup 2009, chỉ có vài trăm cổ động viên đến Jalan Besar cổ vũ (một nửa trong số đó là CĐV đến từ Việt Nam). Hỏi mấy anh tài xế taxi xung quanh sân vận động tuyệt đẹp này, không một ai biết trong đó có trận đấu bóng đá diễn ra.

Có lẽ một phần cuộc sống ở Singapore quá tất bật, phần nữa bởi hệ lụy của thất bại cấp đội tuyển tại AFF Suzuki Cup mới đây, khiến dân Singapore thờ ơ ra mặt với bóng đá. Theo cái nhìn của Huấn luyện viên trưởng tuyển Singapore – Raddy Avramovic, thì điều này cực kỳ bất lợi cho nền bóng đá Singapore.

Trong khi ngân sách hoạt động của các Câu lạc bộ thuộc S-League đã được hạn định rất rõ ràng, thì người ta vẫn không thể giải thích được tại sao một cầu thủ cỡ Indra Sahdan Daud lại nhận mức lương 10 ngàn đô Singapore/tháng (khoảng gần 120 triệu Việt Nam và cao hơn rất nhiều mức sống trung bình, thu nhập cả gia đình 1 tháng là 8000 đôla Singapore mới bị coi là thấp). Mức lương ấy nhiều gấp đôi chân sút số 1 giải S-League bây giờ - Kengne Ludovick) tiền đạo người Cameroon vừa mới ghi bàn thắng vào lưới Becamex Bình Dương tại AFC Cup, gấp rưỡi cây làm bàn số 1 của tuyển Singapore vài năm đổ lại – Aleksandar Duric.

Cứ cho rằng Singapore học bóng đá của người Anh hay Italia, khi không quan trọng chuyện anh là cầu thủ ngoại hay cầu thủ nội. Ai đóng góp nhiều nhất thì sẽ hưởng lương cao nhất. Nhưng Indra Sahdan Daud hay Noh Alam Shar đâu có giá trị cơ bản nào ở khía cạnh chuyên môn?! Tính tự phụ đã len lỏi vào môn thể thao vua và có thể nói, một phần trong tư duy làm bóng đá của người Singapore đã lỗi thời.

Lược danh 7 tiền đạo ghi bàn hàng đầu tại S-League mùa giải 2008, thì có đến 6 cái tên không phải là người Singapore chính hiệu. Tại Home United, trung vệ - đội trưởng Subramni Shunmugham gần như không thể thay thế. Nhưng cần để ý rằng, Mani đã 33 tuổi rồi. Có thể cảm nhận được sự già cỗi của bóng đá Singapore đang ở mức báo động đỏ.

Bây giờ thì người Singapore mới tính chuyện làm lại từ đầu (bằng các học viện bóng đá nhỏ lẻ), để cạnh tranh được với Việt Nam hay Thái Lan./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục