Brazil dừng xây đập thủy điện lớn thứ ba thế giới

Một tòa án liên bang Brazil đã ra phán quyết yêu cầu ngừng mọi hoạt động xây dựng đập thủy điện lớn thứ ba thế giới Belo Monte.
Một tòa án liên bang Brazil ngày 14/8 đã ra phán quyết yêu cầu ngừng mọi hoạt động xây dựng đập thủy điện lớn thứ ba thế giới Belo Monte trên sông Xingu, thuộc khu vực rừng rậm nhiệt đới Amazon.

Đây là dự án đang gây tranh cãi lớn ở nước này do những lo ngại về vấn đề môi trường.

Theo phán quyết của tòa án, Norte Energia, đơn vị đảm nhiệm việc thi công công trình trên, bị cấm tiếp tục xây dựng các hạng mục cho tới khi diễn ra phiên đối chất tại Quốc hội, trong đó cư dân bản địa có thể bày tỏ ý kiến của mình.

Phán quyết nhấn mạnh công ty trên có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 250.000 USD/ngày nếu không nghiêm túc chấp hành lệnh của tòa án. Tuy nhiên, cũng theo phán quyết, Norte Energia có quyền kháng án ở tòa án tối cao.

Việc xây dựng đập thủy điện Belo Monte đã được triển khai khoảng một năm trước đó và theo kế hoạch sẽ hoàn tất vào năm 2019. Chính phủ Brazil có kế hoạch đầu tư tổng cộng 1,2 tỷ USD để hỗ trợ người dân trong việc di dời chỗ ở trong thời gian thi công công trình này. Dự kiến, cuối năm nay, khoảng 12.000 công nhân sẽ làm việc liên tục suốt ngày đêm tại đập này, và con số này sẽ tăng lên 22.000 người trong năm 2013.

Công trình thủy điện Belo Monte nằm tại bang Para, miền Bắc Brazil, với tổng số vốn đầu tư lên tới 17 tỷ USD, có tổng công suất ước tính 11.200 MW, tương đương 11% sản lượng điện của Brazil. Theo thiết kế, Belo Monte là đập thủy điện lớn thứ 2 ở Brazil và lớn thứ 3 thế giới, sau đập Itaipu có công suất 14.000 MW ở miền Nam nước này và đập Tam Hiệp ở Trung Quốc (công suất 18.000 MW).

Tuy nhiên, công trình này lâu nay đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương cũng như các tổ chức môi trường và nhân quyền trên thế giới.

Các ý kiến phản đối cho rằng việc xây dựng đập thủy điện Belo Monte sẽ ảnh hưởng tới diện tích rộng 500 km2, khiến khoảng 30.000 người dân sinh sống trong khu vực rừng Amazon buộc phải di dời và gây úng ngập nhiều diện tích rừng tự nhiên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục