Bình minh ở cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thường bắt đầu bằng loạt âm thanh í ới, chộn rộn của bà con ngư dân cùng người mua kẻ bán tấp nập. Những con sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền gỗ mỏng manh ra “ăn cá”, vỗ cả lên những đôi bàn chân thô ráp, chai sần của phụ nữ vùng biển đang tất tưởi quẩy xuống thuyền những thố cá nặng trĩu bốc mùi tanh nồng. Gần trăm chiếc tàu thuyền lớn nhỏ từ ngoài khơi rẽ sóng mang ăm ắp cá tôm, cua mực… về cảng sắp hàng đợi “mối” ra gom về đất liền. Một khung cảnh cho ta cảm nhận sự bình yên của cuộc sống những người con đất Quảng, ít xô bồ, cũng không có cảnh giành giật thường thấy giữa thương lái lẫn ngư dân. Đánh bạc với biển... Mùa này, biển êm, gió nhẹ nên ngư dân xã Tam Quang chuyến nào ra khơi cũng hồ hởi trở về với khoang cá đầy ắp. Bốn giờ sáng, thuyền đi đánh cá về đã cập kín cảng. Đi biển tuy vất vả nhưng khi được hỏi những ngư dân ở cảng cá Kỳ Hà đều nói rằng họ rất yêu nghề, yêu biển. Như ông Đinh Thế Thu, người gắn bó với nghề này được chục năm chia sẻ: “Nghề biển cũng lý thú lắm. Mà đã làm nghề cũng phải hiểu nghề nữa. Thuyền của chúng tôi nhỏ không đi xa được nên thường chỉ đánh bắt cách bờ 8 hải lý {khoảng 15 km – PV}.”
(Chuyển cá từ thuyền vào bờ - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Chỉ vào khoang thuyền đầy cá sau hai đêm lênh đênh ngoài khơi, ông Thu nói, trừ các khoản chi phí thì chuyến này cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Thời gian này không phải là tháng cao điểm nên thu nhập như vậy là ổn định.
Bởi mùa đánh bắt chính vào tháng 2, tháng 3, tháng 7, tháng 11 nên cũng là thời điểm thu nhập cao nhất, mỗi chuyến có thể lên tới cả trăm triệu với những tàu có công suất lớn. Tới tháng 8 mùa biển động thì ngư dân nghỉ một thời gian. Công việc đi biển nặng nhọc lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên hầu hết do cánh đàn ông đảm nhận. Lênh đênh ngoài khơi cả tuần trời để vây bắt cá không phải là công việc dễ dàng. Có chuyến chẳng may dính bão lốc, không những thất thu mà anh em ông Thu còn “xém chút là tiêu rồi.”
(Công viêc tính toán sổ sách nhẹ nhàng được dành cho phụ nữ - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Với ông Nguyễn Văn Thường thì nghề này giống như đánh bạc với biển vậy. Trúng ngày thì cả tháng no đủ còn không cũng lỗ dầm dề. Chưa kể thời gian qua ngư dân còn “méo mặt” đối phó với giá xăng dầu tăng tới 30%, nhu yếu phẩm cũng theo đó mà tát nước theo mưa tăng giá… Nghề đi biển cũng là một nghề cha truyền con nối. Thế hệ trước bám biển thì lớp con cháu lớn lên sau cũng theo đó mà làm, phát triển từ cơ sở của cha chú như một truyền thống. Và bởi vì cơ bản nhiều thanh niên cũng ưng cái nghề săn bắt cá. Như Đặng Đức Nam mới đi biển được 6 năm nhưng thành quả lao động cũng khá đáng nể. Dáng người nhỏ thó, nước da đen bóng, Nam vừa ghi số lượng cho người thu mua nhưng cũng tranh thủ khoe: “Chuyến đi này nói chung cũng hơn mấy chuyến trước. Năm nay nghề biển làm được. Một tháng thu khoảng 70-80 triệu đồng, trừ chi phí đi còn khoảng 50 triệu.” Tuy nhiên, con số này chỉ là mức thu nhập cao nhất khi vào vụ chính. Mỗi năm biển hiền hòa được vài tháng còn thì nổi giông bão nên tính ra nguồn thu của ngư dân cũng khó ổn định. Những thanh niên như Nam, sinh ra và lớn lên ở làng chài, cuộc sống đã mặc định cho cậu gắn với biển cả nên khó có sự lựa chọn nào khác. Dù vậy, Nam tâm sự rằng vẫn rất yêu biển, yêu nghề bởi nhẽ đi biển đem đến cho cậu nhiều thích thú. Mỗi chuyến đi Nam thường coi đó là một thử thách, là mỗi cuộc chinh phục biển khơi. Ngư dân, thương lái cùng “chung lưng” Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Quang ông Nguyễn Tin cho biết: “Toàn xã có 380 chiếc tàu, thuyền với tổng công suất lên đến 16.000 CV với 65% dân số xã làm nghề biển.” Chủ tàu thuyền có công suất từ 90 CV đến cả trăm CV chủ yếu làm nghề lưới vây ngày, lưới vây đêm. Và niềm vui của hơn một nửa dân số xã ấy là được trở về sau mỗi chuyến đi biển với khoang thuyền nặng cá. Trên bờ, những thương lái lại đang chờ mua được mớ hải sản tôm, cua, cá, mực, ghẹ, ốc… chất lượng. Điểm đặc biệt ở cảng cá Kỳ Hà là không có cảnh thương lái ép giá ngư dân. Ông Võ Văn Thanh, là người đàn ông hiếm hoi làm nghề thu mua ở cảng cá này cho biết, giữa ngư dân và thương lái cũng có sự hỗ trợ nhau về vốn. Cuộc sống của ngư dân còn gặp nhiều khó khăn nên họ cũng sẵn sàng hỗ trợ. “Nếu họ cần mua sắm thuyền máy thì họ lấy vốn của mình trước, giá cả tính theo giá thị trường. Bỏ vốn ra như vậy chúng tôi được hưởng lợi khoảng 10%. Bây giờ giá cả thị trường, chi phí sản xuất lớn nên làm vất vả, cuộc sống của ngư dân cũng bấp bênh,” ông Thanh nói. Ở cảng cá này, thương lái như ông Thanh là được liệt vào hạng “có số có má” vì vốn lớn, còn lại hầu hết người thu mua trên bờ chỉ mong kiếm 50-100 nghìn lãi mỗi ngày.
(Cụ bà cũng phải mưu sinh - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Như bà Lan vừa chèo thuyền cập bờ với mấy rổ tôm, ốc cho biết: “Hàng ngày, tôi thu mua ốc, tôm…vô bán cho các nhà hàng. 10 năm nay ngày nào tôi cũng làm công việc đó, bỏ công ra để kiếm lời, mua 15 ngàn thì bán 17 ngàn. Mỗi ngày tôi kiếm 50-100 ngàn. Những năm trước lời hơn giờ.” Biển yên, những ngư dân còn kiếm được nhưng vào những đợt biển động như gần đây nhất là hai giáp tháng Tết 2011, hàng trăm tàu thuyền cá phải đồng loạt ăn trực nằm chờ bão tan. Ngư dân sẽ chẳng thể có nổi Tết nếu như chính quyền xã Tam Quang không kêu gọi cảng Kỳ Hà hỗ trợ cho xã 1 tấn gạo để cấp phát cho bà con, trong đó phần lớn là ngư dân, ăn tết... Cảng cá những ngày mưa thuận gió hòa lại tấp nập cảnh mua bán vào đầu giờ sáng tới giữa buổi. Sau trưa nhịp sống lại trở về yên bình. Ngư dân tranh thủ kiểm tra tàu bè, mua dầu, đá lạnh và lương thực để chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo. Nước biển xanh nhức mắt với nụ cười hiền lành trên những gương mặt sạm đen và mùi tanh nồng đặc trưng của hải sản đã vẽ nên bức tranh ấn tượng cho một buổi sáng ở cảng cá Kỳ Hà./.
ChiLê (Vietnam+)