Cà Mau tiếp tục quan tâm phát huy, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, tỉnh Cà Mau tiếp tục quan tâm phát huy, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ngày 19/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã khắc phục khó khăn, quyết tâm, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng.

Chia sẻ với những khó khăn chung của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh về các lĩnh vực liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; thu hút đầu tư, giao thông vận tải, phát triển nông nghiệp và nông thôn, tài nguyên và môi trường, xây dựng nông thôn mới…

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao các bộ, ngành chủ trì phối hợp nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các giải pháp hiệu quả, thiết thực để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

Trong số đó, có nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cảng Hòn Khoai, cảng khí, điện gió, phát triển hạ tầng giao thông…, cũng như một số khó khăn, bất cập trong quy định thực hiện các dự án, công trình giao thông, các điểm đấu nối với quốc lộ, xây dựng cửa hàng xăng dầu trên địa bàn theo kiến nghị, đề xuất của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại buổi làm việc.

[Khám phá đất Mũi Cà Mau - nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc]

Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng liên quan đến tình hình buôn lậu và gian lận thương mại, ngăn chặn có hiệu quả việc bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu; phòng chống ma túy, tham nhũng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, tỉnh Cà Mau tiếp tục quan tâm phát huy, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đặc biệt, tỉnh cần xác định rõ các ngành hàng chủ lực, khai thác tốt lợi thế từng vùng đất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án điện gió, phát huy thế mạnh du lịch của vùng đất mũi xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài tại địa phương; tăng cường đối thoại tiếp dân, giải quyết vụ việc khiếu nại ngay từ cơ sở, không để vụ việc khiếu nại vượt cấp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ," nhất là chữa cháy rừng mùa khô năm 2019-2020; tăng cường công tác chỉ đạo quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Tây Nam…

Cà Mau tiếp tục quan tâm phát huy, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện hiện tốt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chú trọng thực hiện tốt công tác chính sách tôn giáo, dân tộc.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển.

Năm 2019, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng khoảng 7%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 47 triệu đồng (kế hoạch là 45,6 triệu đồng), cơ cấu kinh tế khu vực nông, nông ngư và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 29,2%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 26,1%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 40,9%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,8%. Tổng vốn toàn xã hội năm 2019 ước đạt 13.810 tỷ đồng, tăng 410 tỷ đồng so kế hoạch đề ra.

Tuy vậy, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu gây sạt lở, sụp lún, triều cường nước dâng.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn chưa kiểm soát hiệu quả; việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục