Sáng 22/10, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã trao đổi với báo chí xung quanh vụ xả dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.
Đại biểu Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho biết hiện Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, tạm giữ 3 đối tượng (Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám - PV).
"Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc," đại biểu thông tin.
Liên quan đến công tác chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ, tỉnh đang đề nghị nhà máy phải lấy nước mặt sông Đà là chính để sản xuất nước sạch cho người dân.
“Nhà máy phải bơm nước từ sông Đà lên, đựng trong bể chứa, sau đó lọc và chuyển về Hà Nội,” ông Trần Đăng Ninh nhấn mạnh.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng lưu ý, vấn đề kiểm soát nguồn nước đầu vào cũng như trách nhiệm của nhà máy phải nâng cao hơn.
“Đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết người cung cấp nước phải nhận trách nhiệm,” đại biểu Trần Đăng Ninh khẳng định.
Liên quan đến bảo vệ nguồn nước khu vực sông Đà, đại biểu thông tin, vị trí khu vực xung quanh là rất lớn, khoảng 16km2 nên dù có lắp camera, cử lực lượng công an cũng không thể đủ nguồn lực để thực hiện. Do đó, vấn đề đặt ra là nhà máy phải kiểm soát đầu vào của nguồn nước.
“Tôi đã gặp anh Tốn (ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà - PV), anh Tốn nói cũng rất băn khoăn vì tất cả thông số không có vấn đề gì. Nhưng thực tế, người dân thấy mùi khét. Chính tôi khi đến điểm bên ngoài nhà máy cũng thấy mùi rất khủng khiếp,” đại biểu Trần Đăng Ninh nói và nhấn mạnh thêm, sự việc xảy ra ở mức độ nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm, qua đó cũng rút kinh nghiệm để đảm bảo nguồn nước.
[Lãnh đạo tỉnh Hoà Bình: Đã cung cấp nước thì phải đảm bảo chất lượng]
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay chưa quản lý tốt, nhất là nguồn nước mặt được sử dụng sản xuất nước sạch.
Thực tế cho thấy, nguồn ô nhiễm từ hệ thống nước thải của các hộ gia đình, chất thải từ trâu bò, động vật có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt nếu như không được kiểm soát tốt.
“Cần có nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ, đúng quy trình thì mới hạn chế được những sự cố đáng tiếc như vừa qua. Nguồn nước thuộc phạm vi cung cấp nước sạch cho người dân thì phải có hàng rào che chắn, có khu vực quản lý, bảo vệ chặt chẽ,” đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp được cấp phép cung cấp nước sạch cho người dân phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm, đồng thời có giải pháp tích cực để đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn nước.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh cung cấp nước sạch phải xây dựng được hệ thống lọc nước đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ, nước thành phẩm đạt chuẩn chất lượng thì mới được cung cấp cho người dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc quản lý nguồn nước vẫn còn những bất cập trong thời gian qua.
Vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình đặt ra câu hỏi, liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo đối với nguồn nước mặt trên cả nước.
Trong khi đó, việc xử lý của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Các đại biểu cũng cho rằng cần có biện pháp bảo vệ nguồn cấp nước như có hệ thống rào chắn, hệ thống bảo vệ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn nước để kịp thời phát hiện sự cố và có thông báo kịp thời tới người dân./.