Các địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng

Nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Hiện trường vụ cháy rừng tự nhiên sản xuất xảy ra tại khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát
Hiện trường vụ cháy rừng tự nhiên sản xuất xảy ra tại khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Những ngày vừa qua, tình trạng ít mưa, nắng nóng gay gắt đã diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 độ C đến 39 độ C, có nơi trên 42 độ C.

Cháy rừng liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Khánh Hòa, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang...

Nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Tập trung khắc phục hậu quả cháy rừng

Tại tỉnh Hà Giang, trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 40 độ C. Trong ngày 26/4, cháy rừng đã xảy ra tại khu vực giáp ranh 3 xã Phương Tiến, Lao Chải, Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm thiệt hại nhiều héc ta rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt, vụ cháy rừng này đã làm 2 cán bộ Kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh tử vong trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình các cán bộ Kiểm lâm bị nạn tại tỉnh Hà Giang; yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và tập trung khắc phục hậu quả sau cháy rừng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định của pháp luật đối với các cán bộ Kiểm lâm bị tử vong trong quá trình tham gia chữa cháy rừng; tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

ttxvn_chay rung.jpg
Thời tiết tại tỉnh Bình Thuận nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thảm thực bì ở các khu vực rừng đã khô, có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, theo chức năng quản lý nhà nước được giao, chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định của pháp luật đối với các cán bộ kiểm lâm tử vong trong quá trình tham gia chữa cháy rừng.

Do thời tiết nắng nóng gay gắt, chiều 28/4, khu vực rừng tràm kênh T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang bất ngờ bùng phát cháy và lan rộng.

Nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm địa phương phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 330 (Quân khu 9) và đơn vị liên quan cùng các lực lượng tập trung chữa cháy, khống chế, dập tắt lửa, hạn chế cháy lan trên lâm phần rừng tràm này.

Đến trưa 29/4, đám cháy cơ bản được kiểm soát, khống chế.

Khoảng 10 giờ ngày 26/4, khu vực Kẹt Càng Đước, núi Cô Tô (thuộc ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) xảy ra cháy rừng.

Khu vực xảy ra cháy rừng dốc cao, nhiều đá lớn, đám cháy lan nhanh, khói nhiều, đá nổ và rơi từ trên cao xuống, khiến công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Huyện Tri Tôn đã huy động gần 300 người gồm kiểm lâm, cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, công an, tỉnh đội, huyện đội và người dân 3 xã Núi Tôn, An Tức, Ô Lâm đến hiện trường chữa cháy.

Các lực lượng chữa cháy được trang bị máy chữa cháy đeo vai, máy bơm nước đồi núi, hàng trăm can đựng nước... để tiếp cận các điểm cháy trên núi Cô Tô, trực tiếp dập lửa.

Huyện Tri Tôn bố trí hệ thống ống nước dẫn lên núi, dùng máy bơm từ hồ chứa phía dưới để tiếp nước vào can, máy cho các lực lượng chữa cháy; huy động thêm máy bay không người lái mang nước tiếp cận chữa cháy ở những vị trí núi đá cao, đồi dốc khó tiếp cận bằng sức người.

Ngày 28/4, các lực lượng đã quyết tâm dập tắt dứt điểm các điểm cháy trên núi Cô Tô không để ngọn lửa bùng phát trở lại.

Tiếp tục chủ động các biện pháp cấp bách

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trong những ngày tới, nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, tâm điểm là khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, nhiều khả năng kỷ lục về nhiệt độ cao sẽ bị phá vỡ.

ttxvn_chay rung.jpg
Một vụ cháy rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong ngày hôm nay 29/4, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 40-42 độ C, có nơi trên 42 độ C như: Tương Dương (Nghệ An) 42,1 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 42,4 độ C…

Khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Thanh Hóa, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C như Yên Châu (Sơn La) 41,3 độ C, Tam Kỳ (Quảng Nam) 39,7 độ C, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 40,4 độ C, Sơn Hòa (Phú Yên) 39,8 độ C...

Trước đó, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 4/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 31/CĐ-TTg về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tiếp tục, ngày 27/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản chỉ đạo có liên quan; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Cụ thể như, ngày 25/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng có Công điện 02/CĐ-CT chỉ đạo các địa phương, đơn vị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có rừng tăng cường biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở về quản lý, bảo vệ rừng; xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, quận nơi đó phải chịu trách nhiệm...

Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà và các chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng được giao; tăng cường tuần tra rừng, khoanh vùng trọng điểm cháy; thường xuyên rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để bổ sung, điều chỉnh cho sát tình hình thực tiễn...

Trước tình hình nắng nóng, khô hạn đang diễn ra gay gắt, tỉnh An Giang đã nâng cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng lên cấp cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng.

Mùa khô năm 2024, tỉnh xác định tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy là gần 7.370ha, chiếm 43,70% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.

Ngày 28/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngành Nông nghiệp và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, ban quản lý rừng, kiểm lâm tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra...

Để phòng, chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, dự báo, cảnh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng...

Tây Ninh hiện có khoảng trên 73.000 ha rừng, trong đó diện tích có rừng là hơn 66.000 ha. Thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài nhiều tháng qua, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh hiện đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); các trảng cỏ, vạt rừng ven đường dễ bị cháy lớn khi có lửa.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh hiện đã yêu cầu các lực lượng như Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, Quân đội, địa phương có rừng… tiếp tục phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra cháy rừng.

Trường hợp xảy ra cháy thì nhanh chóng dập tắt, không để đám cháy lan rộng; đẩy mạnh tuyên truyền tới khu dân cư, du khách; phối hợp với các địa phương nước bạn Campuchia tuyên truyền cho người dân biết về nguy cơ cháy rừng rất cao hiện nay trên tuyến biên giới nhằm nâng cao ý thức cảnh giác.

Người dân khi phát hiện đám cháy hoặc có nguy cơ cháy rừng thì kịp thời báo cho cơ quan chức năng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục