Các nhà kinh tế kêu gọi ECB xóa nợ cho các nước Eurozone

Các nhà kinh tế đề xuất ECB nên xóa nợ để đổi lấy những cam kết về đầu tư vào quá trình chuyển đổi “xanh” và các dự án xã hội, tương đương gói kích thích trị giá gần 2.500 tỷ euro.
Các nhà kinh tế kêu gọi ECB xóa nợ cho các nước Eurozone ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền Tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, hơn 100 nhà kinh tế đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cung cấp 2.500 tỷ euro (3.000 USD) thông qua việc xóa nợ để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong thư được đăng trên các tờ báo lớn tại các nước thuộc Eurozone như Le Monde (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha), a Libre Belgique (Bỉ) hay Der Freitag (Đức), các nhà kinh tế nhấn mạnh khoảng 25% số nợ công của các quốc gia Eurozone hiện do ECB nắm giữ.

Để thanh toán số tiền trên, các quốc gia sẽ phải đi vay để trả nợ thay vì đầu tư, hoặc tiến hành tăng thuế, hoặc cắt giảm chi tiêu.

Cả ba phương án này đều sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và kìm hãm sự phục hồi kinh tế.

[Lạm phát tại Eurozone trở lại mức dương từ đầu năm 2021]

Các nhà kinh tế đề xuất ECB nên xóa nợ để đổi lấy những cam kết về đầu tư vào quá trình chuyển đổi “xanh” và các dự án xã hội, tương đương gói kích thích trị giá gần 2.500 tỷ euro.

Các nhà kinh tế nhấn mạnh phương án này sẽ không chỉ ngay lập tức mang lại cho các quốc gia châu Âu những phương thức để thúc đẩy sự "phục hồi xanh," mà còn "chữa lành" những tổn thất nghiêm trọng về xã hội, văn hóa và kinh tế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Kinh tế Eurozone suy giảm 6,8% trong năm 2020. Niềm kỳ vọng về đà phục hồi mạnh mẽ trong năm nay đang nhanh chóng phai nhạt do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang lây lan trên toàn cầu.

Năm ngoái, một quan chức cấp cao của ECB đã bác bỏ đề xuất xóa nợ vì cho rằng điều này sẽ làm suy yếu niềm tin vào đồng euro.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng không có trở ngại pháp lý nào đối với đề xuất này, thay vào đó là câu hỏi về ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc sử dụng chính sách tiền tệ ở quy mô toàn diện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục