Cần bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước

Tham luận của Học viện Chính trị-Hành chính QG Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực NN.
Ngày 4/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chủ trì hội thảo.

Các tham luận và báo cáo của các đơn vị trực thuộc Học viện cho rằng: Nội dung của Dự thảo đã đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Dự thảo đã thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định và làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Dự thảo Hiến pháp đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: đã có sự xác định đúng đắn, phù hợp hơn với nhiệm vụ, quyền hạn của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, của Chủ tịch nước và chính quyền địa phương; xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Dự thảo thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ.

Theo Dự thảo, tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương được đổi mới theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết một cách cơ bản những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đảm bảo là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và có tính ổn định lâu dài.

Các tham luận nhấn mạnh: nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân và các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn trong toàn bộ thiết kế của các chương, điều, khoản của Dự thảo.

Cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước (bên trong và bên ngoài) đã được thiết lập nhưng chưa thật sự phù hợp với các nguyên lý của chủ nghĩa hiến pháp hiện đại và thực tiễn hoạt động của bộ máy nhà nước ta hiện nay, một số quy định trong dự thảo chưa thật phù hợp với tình hình kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội ở nước ta, vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Hội thảo chia 3 nhóm chuyên đề để tập trung thảo luận, góp ý vào các quy định cụ thể của Dự thảo Hiến pháp về: Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Bảo vệ Tổ quốc; Bộ máy nhà nước; Hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục