Cần coi báo chí là kênh lấy ý kiến góp ý chính sách

Các nhà báo, nhà quản lý thông tin tại hội thảo ngày 27/2 đề nghị cơ quan chức năng cần cần coi báo chí là kênh lấy ý kiến về chính sách.
Để báo chí là một hình thức hiệu quả trong việc lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo cần coi báo chí là kênh thông tin để lấy ý kiến góp ý của nhân dân, có kế hoạch và bố trí kinh phí cho việc này.

Đây là kiến nghị của các đại biểu là đại diện cơ quan phụ trách báo chí, các đơn vị pháp chế thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tư pháp, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, giới luật sư cùng đông đảo các phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí truyền thông ở Hà Nội tại hội thảo về tác nghiệp báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo chính sách.

Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED)- Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 27/2 tại Hà Nội.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế phản hồi, tiếp thu ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo các chính sách qua báo chí.

Các đại biểu đã nêu lên nhiều vấn đề về vai trò của báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân cho các chính sách lớn, về cơ chế hữu hiệu cho báo chí truyền thông trong việc lấy ý kiến nhân dân, về sự tham gia của truyền thông xã hội vào việc triển khai vào việc lấy ý kiến nhân dân cho các dự thảo chính sách, những kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai lấy ý kiến nhân dân qua báo chí, truyền thông.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Pháp luật Chính sách (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông), báo chí là phương tiện cần thiết, quan trọng để thức hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí có chuyên mục pháp luật trong đó có phổ biến văn bản mới, giải đáp pháp luật...phần nào đáp ứng được yêu cầu của công tác truyên truyền, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, báo chí còn là diễn đàn để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và nhân dân về các dự thảo chính sách.

Việc lấy ý kiến về dự thảo có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo để góp ý, tổ chức hội thảo, thông qua Trang thông tin điện tử của Chính phủ, của cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy vậy, nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao Động) lại cho rằng: Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo chính sách rất khó được thực hiện trên phạm vi rộng, dù nhân dân chính là những đối tượng bị tác động trực tiếp bởi những chính sách.

Nhà báo đã đưa ra một ví dụ điển hình là: Nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1/1/2013 quy định việc sản xuất xuất rượu phải có giấy phép và nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, nhưng ngay trong ngày đầu tiên Nghị định 94 có hiệu lực, báo chí đã có những bài báo ghi nhận ý kiến của những người sản xuất rượu tại các địa phương cũng như bà con kinh doanh đường phố. Câu trả lời phổ biến là “ không biết.” Như vậy, việc lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho Dự thảo Nghị định 94 là chưa được triển khai đầy đủ và triệt để./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục