Việc thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), quản lý các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước... được các đại biểu Quốc hội quan tâm và kiến nghị nhiều giải pháp trong cuộc thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại hội trường sáng 1/11.
Cần làm rõ nguyên nhân
Phân tích những sai phạm, yếu kém trong quản lý kinh tế tại Tập đoàn Vinashin, các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) kiến nghị tại kỳ họp này Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ chủ quản, thủ trưởng các ngành chức năng có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm trước Quốc hội - cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình, không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là xong trách nhiệm. “Nếu Quốc hội không làm rõ được điều này sẽ không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân” - ông Thuyết nói.
Các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thể hiện được sự công minh của pháp luật, ngăn chặn kịp thời biểu hiện các tập đoàn kinh tế lũng đoạn nhà nước, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
“Trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác thẩm tra của Ủy ban lâm thời, đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được kiểm tra” - đại biểu Thuyết kiến nghị.
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Loan nhấn mạnh đến việc phải quy trách nhiệm đến cùng, Quốc hội và Đảng phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý nhà nước, người làm sai phải nghĩ đến một lời xin lỗi trước nhân dân và nghĩ đến văn hóa từ chức.
Quan tâm đến “hậu” Vinashin, “tân” Vinashin, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi: "Liệu còn Vinashin nào khác nữa trong số các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước?" Đại biểu đề nghị Quốc hội có một nghị quyết chuyên đề về các vấn đề này.
Nhìn lại việc quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước
Từ bài học của Vinashin, các đại biểu đặt câu hỏi ngược lại cho vấn đề quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện nay. “Vụ việc Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xác định là những đầu tàu, quả đấm thép của nền kinh tế thị trường” - đại biểu Lê Văn Cuông nói.
Còn đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng vụ việc Vinashin như là một biến cố quan trọng trong lịch sử hình thành và hoạt động của các tập đoàn kinh tế Việt Nam, bởi hệ quả của nó tác động sâu rộng không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, làm suy yếu tình hình kinh tế quốc gia và sụt giảm lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ.
Đại biểu bày tỏ sẽ là không công bằng nếu cho rằng yếu kém về năng lực và những sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn là nguyên nhân chính bao trùm, càng không nên đổ cho tình trạng thiếu luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế.
Trong một thời gian dài để thiếu luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế có vốn hàng chục ngàn tỷ đồng đang quản lý hầu hết các nguồn tài nguyên quốc gia trước hết là khuyết điểm của Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của Quốc hội.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi lỗ hổng về luật pháp và thể chế trong quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ được khắc phục như thế nào? “Tân” Vinashin đòi hỏi phải có những chuyển đổi phù hợp trong tư duy và luật pháp về doanh nghiệp nhà nước.
Đi sâu phân tích cơ sở pháp lý của việc thành lập và hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước qua bài học Vinashin, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng mô hình này rất phức tạp, liên quan đến quản lý bảo toàn nguồn tài sản thuộc sở hữu toàn dân được quy định trong Hiến pháp và chỉ nên thực hiện ở diện hẹp để có sự đánh giá, kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, dù thí điểm nhưng các tập đoàn của Việt Nam đều được thành lập chính thức là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế, bỏ qua bước thể chế hóa mà chỉ dùng các quyết định cá biệt để thành lập từng tập đoàn, trở thành siêu pháp nhân.
Các tập đoàn đều nắm vững các lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế nên chỉ một tập đoàn không thành công sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền và ảnh hưởng lớn đến các cân đối kinh tế, đến uy tín quốc gia, người lao động, mà Vinashin là một minh chứng điển hình.
Theo đại biểu, cần cân nhắc việc thí điểm trên phạm vi rộng và trên nhiều lĩnh vực trọng yếu hiện nay bởi nó liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn nhà nước mà về mặt pháp luật ngay từ đầu lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm, mà lại chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý.
“Cử tri đặt câu hỏi, Quốc hội khóa XI, XII có trách nhiệm gì trong việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế lớn nắm giữ nhiều nguồn lực chủ yếu của đất nước như điện, dầu khí, khoáng sản để đến bây giờ khi xác định trách nhiệm trong vụ Vinashin và những sai phạm khác của các tập đoàn kinh tế, trách nhiệm của Quốc hội phải chăng chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan giám sát?” - bà Nga đề cập.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho kiểm toán thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn lại, nhất là Tập đoàn Điện lực để có cơ sở đánh giá mô hình này. Nếu thành công sẽ đề nghị Quốc hội sửa Luật để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước. Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp./.
Cần làm rõ nguyên nhân
Phân tích những sai phạm, yếu kém trong quản lý kinh tế tại Tập đoàn Vinashin, các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) kiến nghị tại kỳ họp này Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ chủ quản, thủ trưởng các ngành chức năng có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm trước Quốc hội - cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình, không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là xong trách nhiệm. “Nếu Quốc hội không làm rõ được điều này sẽ không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân” - ông Thuyết nói.
Các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thể hiện được sự công minh của pháp luật, ngăn chặn kịp thời biểu hiện các tập đoàn kinh tế lũng đoạn nhà nước, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
“Trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác thẩm tra của Ủy ban lâm thời, đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được kiểm tra” - đại biểu Thuyết kiến nghị.
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Loan nhấn mạnh đến việc phải quy trách nhiệm đến cùng, Quốc hội và Đảng phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý nhà nước, người làm sai phải nghĩ đến một lời xin lỗi trước nhân dân và nghĩ đến văn hóa từ chức.
Quan tâm đến “hậu” Vinashin, “tân” Vinashin, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi: "Liệu còn Vinashin nào khác nữa trong số các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước?" Đại biểu đề nghị Quốc hội có một nghị quyết chuyên đề về các vấn đề này.
Nhìn lại việc quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước
Từ bài học của Vinashin, các đại biểu đặt câu hỏi ngược lại cho vấn đề quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện nay. “Vụ việc Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xác định là những đầu tàu, quả đấm thép của nền kinh tế thị trường” - đại biểu Lê Văn Cuông nói.
Còn đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng vụ việc Vinashin như là một biến cố quan trọng trong lịch sử hình thành và hoạt động của các tập đoàn kinh tế Việt Nam, bởi hệ quả của nó tác động sâu rộng không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, làm suy yếu tình hình kinh tế quốc gia và sụt giảm lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ.
Đại biểu bày tỏ sẽ là không công bằng nếu cho rằng yếu kém về năng lực và những sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn là nguyên nhân chính bao trùm, càng không nên đổ cho tình trạng thiếu luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế.
Trong một thời gian dài để thiếu luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế có vốn hàng chục ngàn tỷ đồng đang quản lý hầu hết các nguồn tài nguyên quốc gia trước hết là khuyết điểm của Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của Quốc hội.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi lỗ hổng về luật pháp và thể chế trong quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ được khắc phục như thế nào? “Tân” Vinashin đòi hỏi phải có những chuyển đổi phù hợp trong tư duy và luật pháp về doanh nghiệp nhà nước.
Đi sâu phân tích cơ sở pháp lý của việc thành lập và hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước qua bài học Vinashin, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng mô hình này rất phức tạp, liên quan đến quản lý bảo toàn nguồn tài sản thuộc sở hữu toàn dân được quy định trong Hiến pháp và chỉ nên thực hiện ở diện hẹp để có sự đánh giá, kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, dù thí điểm nhưng các tập đoàn của Việt Nam đều được thành lập chính thức là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế, bỏ qua bước thể chế hóa mà chỉ dùng các quyết định cá biệt để thành lập từng tập đoàn, trở thành siêu pháp nhân.
Các tập đoàn đều nắm vững các lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế nên chỉ một tập đoàn không thành công sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền và ảnh hưởng lớn đến các cân đối kinh tế, đến uy tín quốc gia, người lao động, mà Vinashin là một minh chứng điển hình.
Theo đại biểu, cần cân nhắc việc thí điểm trên phạm vi rộng và trên nhiều lĩnh vực trọng yếu hiện nay bởi nó liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn nhà nước mà về mặt pháp luật ngay từ đầu lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm, mà lại chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý.
“Cử tri đặt câu hỏi, Quốc hội khóa XI, XII có trách nhiệm gì trong việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế lớn nắm giữ nhiều nguồn lực chủ yếu của đất nước như điện, dầu khí, khoáng sản để đến bây giờ khi xác định trách nhiệm trong vụ Vinashin và những sai phạm khác của các tập đoàn kinh tế, trách nhiệm của Quốc hội phải chăng chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan giám sát?” - bà Nga đề cập.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho kiểm toán thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn lại, nhất là Tập đoàn Điện lực để có cơ sở đánh giá mô hình này. Nếu thành công sẽ đề nghị Quốc hội sửa Luật để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước. Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp./.
Thanh Vân-Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)