Hồ Tây - vùng thơ ca, vùng văn hóa với nhiều quần thể danh thắng vào loại bậc nhất Thăng Long-Hà Nội. Cũng ở nơi đây, các di tích, các thắng cảnh đã tạo nên một “con đường di sản” của đất kinh kì với khung cảnh trữ tình, thơ mộng mà mỗi du khách từng tới đây đều cảm thấy nhớ, thấy yêu.
Song, khoảng không gian xanh với diện tích mặt hồ lớn nhất Thủ đô đang chịu những tác động nặng nề từ quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế một cách nhanh chóng những năm qua.
Hậu quả nhãn tiền ấy đã làm cho mức độ ô nhiễm của Hồ Tây ngày một gia tăng, chất lượng nước của hồ ngày càng suy giảm.
Hồ Tây đang đứng trước nguy cơ không còn là không gian xanh trong lòng thành phố.
"Lá phổi" của Thủ đô
Hồ Tây được coi là "lá phổi" của thành phố Hà Nội. Hệ sinh thái Hồ Tây có sự đa dạng, đặc thù về động thực vật được coi là điển hình nhất của hệ sinh thái nước ngọt Đồng bằng Bắc Bộ.
Khí hậu Hà Nội có lượng bức xạ Mặt Trời dồi dào, tạo điều kiện phát triển cho thực vật thủy sinh và thực vật trên bờ của hồ.
Hồ Tây còn chứa một lượng nước rất lớn, góp phần chống ngập úng cho khu vực phía Tây Bắc nội thành Hà Nội. Vào mùa khô (các tháng mùa Đông) thì hồ lại là nơi chứa nước và xử lý một phần nước thải của thành phố bằng cơ chế tự động làm sạch.
Thế nhưng, hiện nay Hồ Tây đang phải “gồng mình” tiếp nhận nước mưa và nước thải sinh hoạt từ các khu vực xung quanh hồ đổ vào, tác động lớn đến chức năng tự nhiên như một hồ điều hòa rất giá trị cho môi trường và người dân thành phố.
Theo kết quả điều tra của phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Thị Lan Hương, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhóm nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước và làm suy giảm đa dạng thành loài thực vật ở Hồ Tây.
Điển hình là sự phá vỡ và mất nơi cư trú, sự ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu và các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, sự gia tăng dân số, sự mở rộng nơi cư trú của con người, khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống kinh tế thiếu sự định giá thích hợp cho môi trường.
Hà Nội hiện mới chỉ bảo vệ Hồ Tây theo hướng bảo vệ cảnh quan, khai thác hồ chống úng, phát triển du lịch, nuôi cá, chứ chưa áp dụng biện pháp bảo vệ theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Những nguy cơ hiện hữu
Theo Ban Quản lý Hồ Tây và số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu trên, có hơn 200 tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh xung quanh Hồ Tây (kể cả trên bờ ven hồ và mặt nước).
Các loại hình kinh doanh chủ yếu là ăn uống, giải khát, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ giải trí, tham quan, mua sắm, công viên nước, đua thuyền.
Còn có một số doanh nghiệp có tàu du lịch, xuồng, thuyền hoạt động trên hồ. Tuy nhiên rất ít các cơ sở kinh doanh có giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cũng như các hợp đồng phục vụ vệ sinh môi trường, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.
Thêm vào đó, tình trạng xây dựng cơ sở hạ tầng của vùng xung quanh hồ không đồng đều và đang có xu hướng biến đổi mạnh mẽ theo các năm. Các hộ sống xung quanh thường xuyên xả nước thải trực tiếp ra hồ.
Cũng điều tra theo hướng này, nhóm nghiên cứu của giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết diễn biến các thông số ô nhiễm môi trường nước Hồ Tây thực tế trong 25 năm qua cho thấy biện pháp xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ.
Tuy vậy, đối với Hồ Tây hiện còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ.
Ở trong khu bán đảo Tây Hồ và ở ngay trên mặt nước hồ chưa được xử lý triệt để nên môi trường nước gần bờ Hồ Tây còn bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ.
Biện pháp sinh học và vật lý
Các nhà khoa học cho rằng đối với Hồ Tây cũng như các hồ khác của nội thành Hà Nội cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cống vòng xung quanh hồ để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào hồ thì nước các hồ mới nhanh chóng phục hồi thành môi trường nước trong sạch như những năm 60 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, còn cần đến những biện pháp sinh học để bảo tồn đa dạng các loài sinh vật của Hồ Tây.
Thực tế cho thấy biện pháp xây kè bờ hồ, bờ sông nội thành Hà Nội trong thời gian qua bằng đá hộc dốc thoải 45 độ đã gây ra nhiều bất lợi về môi trường nước mặt Hà Nội so với phương án xây kè bờ theo phương thẳng đứng.
Cụ thể đã làm giảm đáng kể thể tích chứa nước mưa của hồ, sông; làm giảm khoảng 20-30% tiết diện dòng chảy thoát nước mưa của sông; làm giảm khả năng thẩm thấu nước của sông hồ và làm giảm điều kiện môi sinh của các thủy sinh vật, các loài sinh vật đáy và các loài vi khuẩn có khả năng tiêu hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước.
Trước thực trạng đó, giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng cho rằng Hà Nội nên dần dỡ bỏ tất cả các kè bờ bằng đá hộc dốc thoải 45 độ này và thay bằng tường chắn thẳng đứng.
Đề cập đến các biện pháp sinh học để bảo tồn đa dạng sinh học Hồ Tây, phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Thị Lan Hương đề nghị sử dụng thực vật thủy sinh cỡ lớn đi liền với kiểm soát chặt chẽ sức sinh sản mạnh của chúng để xử lý ô nhiễm cho hồ, vừa có tác dụng cải tạo chất lượng nước, vừa tạo cảnh quan đẹp.
Kết quả thử nghiệm của tiến sỹ Hương cho thấy sử dụng bèo tây kết hợp với thủy trúc có khả năng hút kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ rất tốt, đồng thời có thể làm lắng đọng các chất lơ lửng tạo nên độ trong của hồ.
Không gian sinh thái tự nhiên của Hồ Tây sẽ không còn quý hiếm trong lòng đô thị Hà Nội ngàn năm văn hiến nếu tình trạng ô nhiễm tiếp tục.
Trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn không gian xanh Hồ Tây không chỉ là công việc của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương mà còn đòi hỏi ý thức, tinh thần tự giác của người dân, nhất là cộng đồng dân cư ven hồ để có thể gìn giữ một cách tốt nhất “báu vật cảnh quan” đặc biệt này./.