Cánh cửa hợp tác phát triển kinh tế Việt-Đức đang rộng mở

Tại Việt Nam hiện có trên 300 công ty Đức đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư 1,41 tỷ USD, đứng thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU).
Cánh cửa hợp tác phát triển kinh tế Việt-Đức đang rộng mở ảnh 1Đại sứ Đoàn Xuân Hưng phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở Đại sứ quán ở Berlin. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Nhìn nhận tiềm năng, cơ hội, triển vọng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt-Đức trong thời gian tới là chủ đề của một trong hai cuộc hội thảo quy mô lớn sẽ được tổ chức tại Berlin vào ngày 22/6 tới.

Dự kiến, cuộc hội thảo này sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức, Bộ Ngoại giao Đức cùng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức ở châu Á-Thái Bình Dương (OAV) cùng khoảng 250 doanh nghiệp Việt Nam và Đức.

Các thông tin trên được Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đưa ra tại cuộc họp báo công bố về hai cuộc hội thảo, trong đó cuộc hội thảo thứ hai diễn ra cùng ngày với chủ đề "Triển vọng to lớn của quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Đức và vai trò của doanh nghiệp người Việt tại Đức" với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu.

Tại cuộc họp báo, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh hai cuộc hội thảo có quan hệ mật thiết với nhau, song cuộc hội thảo thứ nhất có sự tham dự của cả doanh nghiệp hai nước, của giới hoạch định chính sách và quan chức chính phủ hai bên nhằm nhận diện các cơ hội, triển vọng, đồng thời bàn hướng thúc đẩy sự hợp tác trong thời gian tới.

Theo Đại sứ, hai cuộc hội thảo quy mô lớn này cho tới nay đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ và các cơ quan, bộ ngành và doanh nghiệp hai nước. Về phía Việt Nam dự kiến có sự tham dự của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng - người rất hiểu về quan hệ kinh tế Việt-Đức; Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, tiến sỹ Võ Trí Thành; đại diện một số tỉnh thành và các doanh nghiệp.

Trong khi về phía Đức sẽ có Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Uwe Beckmeyer, một Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Đức cùng một số đại diện phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang cũng như Bộ Ngoại giao Đức, OAV, DIHK, Phòng Công nghiệp và Thương mại tại Berlin, Brandenburg, Dresden,… cùng nhiều doanh nghiệp Đức tham dự.

Tại cuộc họp báo, Đại sứ cũng cho biết quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Đức trong những năm gần đây đã có nhiều tiến triển, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2011. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế vẫn còn khá khiêm tốn, nhất là xét trên cơ sở tiềm năng của cả hai bên.

Về thương mại, trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch song phương đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 9 tỷ USD năm 2015. Xuất nhập khẩu với Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ (chưa đến 1%) trong tổng kim ngạch ngoại thương của Đức.

Về đầu tư, tại Việt Nam hiện có trên 300 công ty Đức đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư 1,41 tỷ USD, đứng thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó đầu tư ra nước ngoài của Đức riêng năm 2012 đã đạt 80 tỷ USD.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng để khai thông dòng đầu tư và thương mại giữa Đức và Việt Nam, hai bên cần nỗ lực lớn hơn nữa, nhất là từ phía Việt Nam, trong đó, cần tổ chức thêm các cuộc hội thảo mang tính tổng thể, bài bản hơn, từng bước giải tỏa những khúc mắc, quan ngại của các doanh nghiệp Đức, từ đó sẽ chuyển dần thái độ hợp tác và quan tâm hơn đến đầu tư và kinh doanh với Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Đức Deutsche Welle (DW), Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng dù quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Đức đang tiến triển rất tốt đẹp, song là hai quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam và Đức cần phải củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, hai bên cần tăng cường các chuyến thăm cấp cao để tạo dựng lòng tin và sự tin cậy giữa hai nước. Đối với hợp tác kinh tế, hai bên có nhiều tiềm năng và việc tăng cường hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Bên cạnh đó, hợp tác về du lịch-văn hóa, nguồn nhân lực... cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Trong khuôn khổ cuộc họp báo, Tham tán Bùi Hà Nam cũng đã thông báo về mục đích, ý nghĩa của hai cuộc hội thảo. Theo ông, đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các tiềm năng và phương thức tiếp cận thị trường Việt Nam; nhận thức rõ hơn các cơ hội và thách thức; từ đó đề xuất những biện pháp có tính thực tiễn giúp tăng cường thu hút đầu tư từ Đức. Ông nhấn mạnh Đại sứ quán sẽ đóng vai trò làm cầu nối giúp các doanh nghiệp trong việc thâm nhập, tìm kiếm cơ hội và giải quyết các vấn đề phát sinh khi kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục