Lần nào về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều căn dặn phải quan tâm đến thế hệ trẻ, đến cuộc sống của người dân, vận động nhân dân định canh định cư, về vấn đề trồng cây gây rừng, bảo vệ và làm giàu hệ sinh thái, ông Nguyễn Tư Pháp, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam biết như vậy.
Nhắc lại kỷ niệm trong những lần tiếp đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, ông Pháp phấn khởi nói: “Trong 6 năm làm Bí thư Huyện ủy kể từ năm 1999, vinh dự lớn nhất của đời tôi là 4 lần được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp.”
Sức lan tỏa của vị tướng tài ba
Ông Pháp bồi hồi nhớ lại: Ngày 20/08/2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương Lệ Thủy. Năm ấy, huyện Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống 2/9 hàng năm sớm hơn so với mọi năm, nhằm đúng vào ngày Đại tướng về thăm quê. Trước đó, khi được tin lãnh đạo huyện muốn tổ chức lễ hội sớm để kịp mời Đại tướng tham dự, nhân dân Lệ Thủy đã rất vui mừng và háo hức. Mọi người ai cũng hân hoan mong chờ.
Hôm đó, Đại tướng có hỏi tôi và các anh em lãnh đạo huyện “Tại sao năm nay tổ chức lễ hội đua thuyền sớm thế?” Khi nghe tôi báo cáo lại lý do, Đại tướng rất xúc động. Cũng đã quá lâu rồi Đại tướng xa quê, ít có dịp gặp lại lễ hội truyền thống của quê hương.
Ngày lễ hội diễn ra, từng dòng người đổ về chật kín các ngã đường ở trung tâm huyện. Hai bên con đường chạy dọc sông Kiến Giang đông nghịt người. Tôi nhớ lúc Đại tướng đứng trên canô chạy dọc sông Kiến Giang, tay vẫy chào mọi người, cả một vùng đất như vỡ tung. Bà con vỗ tay reo hò, ở các bến nước các mẹ các chị quần xắn cao, lội xuống sông, tay dùng nón lá khoát nước, hét vang “Hoan hô đại tướng! Hoan hô đại tướng.”
Nhiều người bơi ra tận gần giữa sông với mong muốn được gần, được nhìn rõ Đại tướng hơn. Ông Pháp chiêu một ngụm trà rồi kể tiếp: Trong quá trình về thăm quê, Đại tướng nhắc nhở rất nhiều chuyện. Trước hết, cụ nhắc nhở vấn đề rác và quán xá ở hai bên sông Kiến Giang.
Cụ nói với chúng tôi trước đây lúc cụ hoạt động ở Huế, mỗi lần về quê đều mang sách vở xuống dưới thuyền, núp dưới bóng cây dọc bờ sông để học bài, thấy dòng sông rất nên thơ và đẹp đẽ. Nhưng bây giờ hiện tượng quán xá lấn chiếm như vậy, thêm nữa rác rưởi trên sông ô nhiễm quá.
Cụ căn dặn anh em lãnh đạo huyện là phải làm thế nào đó để lần sau cụ về lại thì quang cảnh sẽ thay đổi đi. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện tập trung mời năm xã gồm Thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, An Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy để quán triệt và phổ biến lời căn dặn của Đại tướng. Chỉ trong một tuần, 112 quán dọc bờ sông đã tự giác tháo dỡ, trong đó, có nhiều hàng quán kiên cố, được người dân đầu tư rất nhiều tiền bạc xây dựng.
“Tưởng rằng huyện đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đền bù, giải tỏa nhưng khi biết Đại tướng căn dặn như thế, bà con đều tự giác tháo dỡ,” ông Pháp tâm sự.
Lần nào về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều căn dặn phải quan tâm đến thế hệ trẻ, đến cuộc sống của người dân, vận động nhân dân định canh định cư, về vấn đề trồng cây gây rừng, bảo vệ và làm giàu hệ sinh thái. Nghe theo lời căn dặn của Đại tướng, lãnh đạo huyện cùng bà con Lệ Thủy luôn chăm chỉ, phấn đấu đi lên trong mọi lĩnh vực.
Kết quả ở Quảng Bình, huyện Lệ Thủy luôn dẫn đầu tỉnh về nhiều lĩnh vực như phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trồng cây gây rừng, sản xuất nông nghiệp…. Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đại tướng cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nhất là các chi bộ Đảng ở các bản dân tộc. Lúc đó, toàn huyện có 3 bản là không có Đảng viên. Đến năm 2003, huyện đã xóa được các điểm trắng, các chi bộ Đảng hoạt động có hiệu quả, các Đảng viên luôn đoàn kết và giúp đỡ nhau để cùng vươn lên.
Về những ký ức không thể nào quên, cuối mỗi câu chuyện ông cựu Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tư Pháp bao giờ cũng có những đúc kết bất ngờ với những người đang chú tâm nghe ông kể. Và có lẽ xuyên suốt những câu chuyện ấy là điều mà ông luôn ghi nhớ tận trong tâm hồn của mình đó là“ sức lan tỏa của một vị lãnh tụ đối với nhân dân địa phương.”
Vị tướng tài bình dị
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con của quê hương Lệ Thủy, luôn mang trong mình tình yêu với điệu hò khoan xứ Lệ. Biết là Đại tướng rất thích nghe hò khoan của quê hương nên mỗi lần Đại tướng về thăm quê, huyện đều tổ chức các buổi văn nghệ quần chúng để đón tiếp Đại tướng. Trong các buổi biểu diễn, hò khoan Lệ Thủy không bao giờ thiếu.
Bà con ngồi quây quần bên cụ ở trên sân, cùng lắng nghe những giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển, linh hoạt của các làn điệu hò. Không khí lúc đó trở nên lắng đọng. Tình cảm của một vị tướng tài dành cho quê hương, và tình cảm của bà con quê hương dành cho Đại tướng như cùng hòa quyện vào trong từng câu hò. “Những hình ảnh xúc động đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời này,” ông Pháp xúc động kể.
Rồi ông Pháp đứng dậy, lấy những bức ảnh mà ông chụp cùng với Đại tướng trong những lần ông tiếp đón Đại tướng ở Lệ Thủy khoe với chúng tôi. Mỗi bức ảnh có hình Đại tướng ông Pháp giữ nghiêm lắm không phải ai cũng được ông cho xem như vậy - vợ ông Pháp nói. Rồi như nhớ ra một điều quan trọng, ông Pháp ngậm ngùi: Đại tướng đặc biệt thích xem đò bơi đấy, các cô chú có biết không?
Có một lần, lúc tôi đang là Chánh văn phòng huyện ủy, tôi và một số anh em lãnh đạo huyện cùng ăn cơm với Đại tướng ở phòng khách. Lúc đó, cụ nghe tiếng đò bơi đi ngang qua liền dừng đũa và chạy ngay ra ngoài để xem. Lúc đầu chúng tôi không hiểu lí do vì sao tự nhiên cụ chạy ra ngoài như thế, nhưng khi thấy cụ đứng xem đò bơi say sưa thì ai nấy đều bất ngờ và cảm động.
Sau này, mỗi lần anh em ở huyện chúng tôi ngồi với nhau nói lại chuyện này ai cũng nghĩ rằng, có lẽ cụ đi làm cách mạng sớm, xa quê biền biệt nên những cảm nhớ về quê hương luôn thường trực, da diết quá.
Những lần Đại tướng về thăm quê, bánh lộc và bánh lá là hai món ăn luôn có. Khi biết được Đại tướng thích hai thứ bánh này qua tìm hiểu những người bạn cùng thời với Đại tướng, ông Pháp đã chỉ đạo mọi người tìm mua để mời Đại tướng. “Đại tướng bình dị lắm,” ông Pháp mỉm cười.
Chúng tôi chào ông Pháp ra về khi trời đã xế chiều. Lệ Thủy những ngày này đang rộn ràng không khí chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập 2/9. Văng vẳng đâu đò tiếng hò khoan ngọt ngào, sâu lắng.
Chúng tôi bất chợt nhớ lại lời ông Pháp lúc tiễn ra về “Tình cảm mà đại tướng Võ Nguyện Giáp dành cho quê hương Lệ Thủy như tình cảm của người cha, người ông. Và tình cảm của bà con dành cho Đại tướng vẫn luôn sâu đậm. Bà con mong muốn thêm một lần được đón Đại tướng về thăm quê”./.
Nhắc lại kỷ niệm trong những lần tiếp đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, ông Pháp phấn khởi nói: “Trong 6 năm làm Bí thư Huyện ủy kể từ năm 1999, vinh dự lớn nhất của đời tôi là 4 lần được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp.”
Sức lan tỏa của vị tướng tài ba
Ông Pháp bồi hồi nhớ lại: Ngày 20/08/2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương Lệ Thủy. Năm ấy, huyện Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống 2/9 hàng năm sớm hơn so với mọi năm, nhằm đúng vào ngày Đại tướng về thăm quê. Trước đó, khi được tin lãnh đạo huyện muốn tổ chức lễ hội sớm để kịp mời Đại tướng tham dự, nhân dân Lệ Thủy đã rất vui mừng và háo hức. Mọi người ai cũng hân hoan mong chờ.
Hôm đó, Đại tướng có hỏi tôi và các anh em lãnh đạo huyện “Tại sao năm nay tổ chức lễ hội đua thuyền sớm thế?” Khi nghe tôi báo cáo lại lý do, Đại tướng rất xúc động. Cũng đã quá lâu rồi Đại tướng xa quê, ít có dịp gặp lại lễ hội truyền thống của quê hương.
Ngày lễ hội diễn ra, từng dòng người đổ về chật kín các ngã đường ở trung tâm huyện. Hai bên con đường chạy dọc sông Kiến Giang đông nghịt người. Tôi nhớ lúc Đại tướng đứng trên canô chạy dọc sông Kiến Giang, tay vẫy chào mọi người, cả một vùng đất như vỡ tung. Bà con vỗ tay reo hò, ở các bến nước các mẹ các chị quần xắn cao, lội xuống sông, tay dùng nón lá khoát nước, hét vang “Hoan hô đại tướng! Hoan hô đại tướng.”
Nhiều người bơi ra tận gần giữa sông với mong muốn được gần, được nhìn rõ Đại tướng hơn. Ông Pháp chiêu một ngụm trà rồi kể tiếp: Trong quá trình về thăm quê, Đại tướng nhắc nhở rất nhiều chuyện. Trước hết, cụ nhắc nhở vấn đề rác và quán xá ở hai bên sông Kiến Giang.
Cụ nói với chúng tôi trước đây lúc cụ hoạt động ở Huế, mỗi lần về quê đều mang sách vở xuống dưới thuyền, núp dưới bóng cây dọc bờ sông để học bài, thấy dòng sông rất nên thơ và đẹp đẽ. Nhưng bây giờ hiện tượng quán xá lấn chiếm như vậy, thêm nữa rác rưởi trên sông ô nhiễm quá.
Cụ căn dặn anh em lãnh đạo huyện là phải làm thế nào đó để lần sau cụ về lại thì quang cảnh sẽ thay đổi đi. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện tập trung mời năm xã gồm Thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, An Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy để quán triệt và phổ biến lời căn dặn của Đại tướng. Chỉ trong một tuần, 112 quán dọc bờ sông đã tự giác tháo dỡ, trong đó, có nhiều hàng quán kiên cố, được người dân đầu tư rất nhiều tiền bạc xây dựng.
“Tưởng rằng huyện đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đền bù, giải tỏa nhưng khi biết Đại tướng căn dặn như thế, bà con đều tự giác tháo dỡ,” ông Pháp tâm sự.
Lần nào về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều căn dặn phải quan tâm đến thế hệ trẻ, đến cuộc sống của người dân, vận động nhân dân định canh định cư, về vấn đề trồng cây gây rừng, bảo vệ và làm giàu hệ sinh thái. Nghe theo lời căn dặn của Đại tướng, lãnh đạo huyện cùng bà con Lệ Thủy luôn chăm chỉ, phấn đấu đi lên trong mọi lĩnh vực.
Kết quả ở Quảng Bình, huyện Lệ Thủy luôn dẫn đầu tỉnh về nhiều lĩnh vực như phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trồng cây gây rừng, sản xuất nông nghiệp…. Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đại tướng cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nhất là các chi bộ Đảng ở các bản dân tộc. Lúc đó, toàn huyện có 3 bản là không có Đảng viên. Đến năm 2003, huyện đã xóa được các điểm trắng, các chi bộ Đảng hoạt động có hiệu quả, các Đảng viên luôn đoàn kết và giúp đỡ nhau để cùng vươn lên.
Về những ký ức không thể nào quên, cuối mỗi câu chuyện ông cựu Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tư Pháp bao giờ cũng có những đúc kết bất ngờ với những người đang chú tâm nghe ông kể. Và có lẽ xuyên suốt những câu chuyện ấy là điều mà ông luôn ghi nhớ tận trong tâm hồn của mình đó là“ sức lan tỏa của một vị lãnh tụ đối với nhân dân địa phương.”
Vị tướng tài bình dị
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con của quê hương Lệ Thủy, luôn mang trong mình tình yêu với điệu hò khoan xứ Lệ. Biết là Đại tướng rất thích nghe hò khoan của quê hương nên mỗi lần Đại tướng về thăm quê, huyện đều tổ chức các buổi văn nghệ quần chúng để đón tiếp Đại tướng. Trong các buổi biểu diễn, hò khoan Lệ Thủy không bao giờ thiếu.
Bà con ngồi quây quần bên cụ ở trên sân, cùng lắng nghe những giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển, linh hoạt của các làn điệu hò. Không khí lúc đó trở nên lắng đọng. Tình cảm của một vị tướng tài dành cho quê hương, và tình cảm của bà con quê hương dành cho Đại tướng như cùng hòa quyện vào trong từng câu hò. “Những hình ảnh xúc động đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời này,” ông Pháp xúc động kể.
Rồi ông Pháp đứng dậy, lấy những bức ảnh mà ông chụp cùng với Đại tướng trong những lần ông tiếp đón Đại tướng ở Lệ Thủy khoe với chúng tôi. Mỗi bức ảnh có hình Đại tướng ông Pháp giữ nghiêm lắm không phải ai cũng được ông cho xem như vậy - vợ ông Pháp nói. Rồi như nhớ ra một điều quan trọng, ông Pháp ngậm ngùi: Đại tướng đặc biệt thích xem đò bơi đấy, các cô chú có biết không?
Có một lần, lúc tôi đang là Chánh văn phòng huyện ủy, tôi và một số anh em lãnh đạo huyện cùng ăn cơm với Đại tướng ở phòng khách. Lúc đó, cụ nghe tiếng đò bơi đi ngang qua liền dừng đũa và chạy ngay ra ngoài để xem. Lúc đầu chúng tôi không hiểu lí do vì sao tự nhiên cụ chạy ra ngoài như thế, nhưng khi thấy cụ đứng xem đò bơi say sưa thì ai nấy đều bất ngờ và cảm động.
Sau này, mỗi lần anh em ở huyện chúng tôi ngồi với nhau nói lại chuyện này ai cũng nghĩ rằng, có lẽ cụ đi làm cách mạng sớm, xa quê biền biệt nên những cảm nhớ về quê hương luôn thường trực, da diết quá.
Những lần Đại tướng về thăm quê, bánh lộc và bánh lá là hai món ăn luôn có. Khi biết được Đại tướng thích hai thứ bánh này qua tìm hiểu những người bạn cùng thời với Đại tướng, ông Pháp đã chỉ đạo mọi người tìm mua để mời Đại tướng. “Đại tướng bình dị lắm,” ông Pháp mỉm cười.
Chúng tôi chào ông Pháp ra về khi trời đã xế chiều. Lệ Thủy những ngày này đang rộn ràng không khí chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập 2/9. Văng vẳng đâu đò tiếng hò khoan ngọt ngào, sâu lắng.
Chúng tôi bất chợt nhớ lại lời ông Pháp lúc tiễn ra về “Tình cảm mà đại tướng Võ Nguyện Giáp dành cho quê hương Lệ Thủy như tình cảm của người cha, người ông. Và tình cảm của bà con dành cho Đại tướng vẫn luôn sâu đậm. Bà con mong muốn thêm một lần được đón Đại tướng về thăm quê”./.
Hà Giang (Vietnam+)