Câu hỏi lớn về triển vọng tăng trưởng và lãi suất tại Eurozone

Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đạt nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát, song khu vực này vẫn đối mặt với những điều không chắc chắn và câu hỏi lớn về tương lai.

Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong một phát biểu hồi đầu tháng này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cho biết Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đạt nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát, song khu vực này vẫn đối mặt với những điều không chắc chắn và câu hỏi lớn về tương lai.

Tại cuộc họp ngày 18/7, ECB đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 3,75% đúng như dự báo của thị trường.

Bên cạnh đó, ngân hàng này để ngỏ khả năng tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ hai tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín.

Câu chuyện tăng trưởng kinh tế

Trong ba tháng đầu năm nay, kinh tế Eurozone đã có dấu hiệu phục hồi, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khối tăng 0,3% so với quý trước đó và chấm dứt một năm trì trệ.

Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg của Đức, cho biết mức tăng trưởng vượt dự báo trên chủ yếu phản ánh sự suy giảm của cú sốc giá năng lượng và thực phẩm cùng sự phục hồi trong thương mại toàn cầu. Theo S&P Global, GDP của Eurozone sẽ tăng từ 0,7% trong năm nay lên 1,4% trong năm tới.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã cảnh báo về rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế tại Eurozone.

Theo bà Lagarde, 2024 sẽ là một năm tăng trưởng chậm kèm theo bất ổn ngày càng tăng.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ và Trung Quốc vào năm tới, bà Lagarde đã cảnh báo rủi ro cho lĩnh vực xuất khẩu, vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực.

Theo dữ liệu của ECB, xuất khẩu của Eurozone trong quý I/2024 đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu tại Mỹ giảm tốc và ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng hứng chịu tác động do mất đi nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga.

Bà Lagarde cho biết, ECB sẽ xem xét cẩn thận lĩnh vực xuất khẩu đồng thời theo dõi chặt chẽ vị thế cạnh tranh của EU và Eurozone so với các nền kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Thống kê cho thấy đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 13% so với đồng euro trong hai năm qua, làm tăng thêm lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Theo bà Lagarde, các số liệu về đầu tư cho thấy tăng trưởng thấp trong năm 2024. Bà nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý 2/2024 có thể thấp hơn mức 0,3% trong quý 1/2024.

Trong một báo cáo tổ chức đánh giá tài chính S&P Global lưu ý Eurozone đối mặt với những rủi ro liên quan đến sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), những bất ổn chính trị ở châu Âu và mối quan hệ kinh tế xấu đi với Trung Quốc.

Những rủi ro này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư, sự ổn định tài chính và tầm ảnh hưởng của chính sách tiền tệ mà ECB áp dụng đối với kinh tế Eurozone.

Trong một báo cáo, ECB lưu ý sự gia tăng căng thẳng địa chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, làm gia tăng lạm phát và bào mòn niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, giới hoạch định chính sách kinh tế trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa thể chắc chắn về đường hướng chính sách, trong bối cảnh hàng loạt cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024.

Triển vọng chính sách tiền tệ

Bà Lagarde đã nhấn mạnh quan điểm của ECB trong việc duy trì cách tiếp cận phụ thuộc vào dữ liệu và tùy vào từng cuộc họp.

Nhà kinh tế Samuel Adams của tập đoàn tài chính UBS Global Wealth Management cho rằng xu hướng giảm phát sẽ cho phép ECB tiến hành một đợt hạ lãi suất nữa vào tháng Chín và sau đó tiếp tục cắt giảm thêm qua từng quý.

Trong khi đó, theo S&P Global, giá năng lượng thấp hơn sẽ giúp hỗ trợ đà tăng trưởng cho kinh tế Eurozone và tạo cơ sở cho ECB cắt giảm lãi suất.

ttxvn_ECB.jpg
Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức này dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản mỗi quý cho đến khi lãi suất tiền gửi chạm đáy ở mức 2,5% trong quý 3/2025.

Tháng trước, ECB đã hạ lãi suất từ mức cao kỷ lục. Động thái được một số nhà hoạch định chính sách của chính ngân hàng này đánh giá là vội vàng. Do đó, ECB dự kiến sẽ thận trọng hơn về động thái tiếp theo, khi lạm phát nội khối và tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao.

Chiến lược gia Peter Schaffrik tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, cho rằng ECB sẽ vẫn giữ quan điểm lạm phát đang giảm và nhìn chung họ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách hơn nữa. Dù vậy, vẫn chưa thể chắc chắn về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhanh đến mức nào.

Về mặt kỹ thuật, chính sách của ECB hoàn toàn độc lập với Fed, nhưng rất khó để ECB áp dụng chính sách khác xa với ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới. Lãi suất tại Mỹ cao hơn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư chuyển tiền sang nước Mỹ, làm suy yếu đồng euro và thúc đẩy lạm phát nhập khẩu.

Số liệu chính thức cho thấy lạm phát trong tháng Sáu tại Eurozone đã hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ không đủ để thuyết phục ECB đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất dù tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, lạm phát giá tiêu dùng ở Eurozone là 2,5% trong tháng Sáu, giảm so với mức 2,6% hồi tháng Năm.

Chuyên gia Jack Allen-Reynolds của công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London cho rằng dữ liệu lạm phát của tháng Sáu sẽ củng cố khuynh hướng hành động rất thận trọng của các nhà hoạch định chính sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục