Chặng đường 20 năm nghiên cứu châu Âu ở Việt Nam

Ngày 8/11, Viện Nghiên cứu châu Âu đã tổ chức hội thảo quốc tế “Nghiên cứu châu Âu ở Việt Nam: Chặng đường 20 năm và triển vọng.”

Ngày 8/11, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Viện nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc tế “Nghiên cứu châu Âu ở Việt Nam: Chặng đường 20 năm và triển vọng.”

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn An Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu cho biết, trải qua quá trình 20 năm, Viện đã khẳng định được vị thế của một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu về châu Âu, với những đóng góp đáng ghi nhận trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Viện đã chủ trì, thực hiện có kết quả hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu chính sách, tư vấn và dịch vụ tư vấn khoa học.

Viện tham gia nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội của các nước, tổ chức của châu Âu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Từ nay đến năm 2020, Viện nghiên cứu châu Âu ưu tiên tập trung nghiên cứu để đóng góp lý luận và thực tiễn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.

Viện tập trung vào những điều chỉnh của các tổ chức, liên kết khu vực và các quốc gia châu Âu trong việc đối phó với khủng hoảng, từ mô hình phát triển, thể chế chính trị, chiến lược phát triển, vai trò của Nhà nước, thị trường, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu... Trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, những khuyến nghị cho Việt Nam trong việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu toàn cầu hóa và những tác động tới các nước, các khu vực và thế giới, đặc biệt là các nước chuyển đổi, giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội, hạn chế tác động tiêu cực mà toàn cầu hóa đem lại; nghiên cứu các liên kết khu vực, xuyên khu vực, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhân dân thông tin đầy đủ về quá trình toàn cầu hóa, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện đa phương, đa dạng hóa của Việt Nam.

Theo các nhà khoa học xã hội, các mô hình lý thuyết và thực tiễn nhà nước pháp quyền ở châu Âu là đối tượng nghiên cứu không thể thiếu của khoa học nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Như Phát - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, do thiếu lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên cho đến nay, Việt Nam chưa có chủ thuyết thật sự đầy đủ về Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Điều này dẫn tới không ít khó khăn trong việc đề xuất những chủ trương, giải pháp tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền đáp ứng được những đòi hỏi của đổi mới đất nước trong giai đoạn 2011-2020.

Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền các nước khẳng định các giá trị to lớn của tư tưởng Nhà nước pháp quyền. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là phải nhận diện đầy đủ trạng thái Nhà nước pháp quyền của các nước trên các phương diện tư duy nhận thức, những biểu hiện cụ thể trong đời sống hiện thực.

Sự nhận diện và đánh giá chính xác về nội dung, mô hình Nhà nước pháp quyền các nước tạo ra cơ sở khoa học để đưa ra những luận cứ cho việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục