Theo nghiên cứu Tương lai của châu Á công bố ngày 15/7 của Mckinsey Global Institute (MGI), châu Á đang hướng tới đóng góp 50% GDP của thế giới vào năm 2040 và 40% tiêu dùng của thế giới.
Ngoài ra, khi tiêu dùng tăng, số lượng sản phẩm sản xuất tại châu Á được tiêu thụ ở thị trường nội địa sẽ gia tăng thay vì được xuất khẩu ra ngoài châu lục này.
Hiện tại, 52% thương mại của châu Á là thương mại nội địa.
Nghiên cứu trên, do McKinsey & Company hợp tác với MGI thực hiện, đã khảo cứu việc châu Á nổi lên nhanh chóng như thế nào cũng như sẽ dẫn đầu thế giới ra sao.
Ngoài ra, với Trung Quốc, châu Á hiện là trung tâm của các hoạt động kinh tế thế giới. Sự nổi lên của châu Á đang diễn ra nhanh hơn dự kiến và các thành phố ở châu Á đã trở thành những trung tâm tài chính toàn cầu.
[Hệ lụy từ xu hướng cực đoan trong cạnh tranh Mỹ-Trung]
Nghiên cứu của MGI khảo sát 71 nền kinh tế đang phát triển và lựa chọn 18 trong số này có mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ bền vững. Toàn bộ 7 nền kinh tế có thành tích tốt trong dài hạn và 5 trong số 11 nền kinh tế có thành tích tốt trong thời gian gần đây đều thuộc về châu Á.
Theo ông Oliver Tonby, Chủ tịch McKinsey ở châu Á, “nếu chúng ta muốn hiểu thực trạng và tương lai của nền kinh tế thế giới thì cần phải hiểu châu Á."
Theo nghiên cứu trên, trong khi hoạt động thương mại hàng hóa đã sụt giảm, các hoạt động dịch vụ đã trở thành chuỗi kết nối thực sự của nền kinh tế toàn cầu và thương mại dịch vụ của châu Á đang tăng hơn 1,7% so với phần còn lại của thế giới.
Ngoài ra, hơn 40% trong số 5.000 doanh nghiệp lớn thế giới thuộc về châu Á. Theo bảng xếp hạng 2018 Fortune Global 500, 210 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về doanh thu là ở châu Á. Tỷ lệ doanh nghiệp có kết quả hoạt động cao hàng đầu của châu Á đã tăng từ 19% lên 30% trong 2 thập niên qua.
Hầu hết các doanh nghiệp này đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc và các lĩnh vực mà họ "thống trị" nhiều nhất là máy tính, hàng điện tử, ôtô và ngân hàng.
Châu Á hiện chiếm tới 50% trong số 2,2 tỷ người sử dụng mạng Internet của thế giới, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 1/3.
Năm 2020, tầng lớp trung lưu của châu Á dự kiến sẽ tăng lên mức khoảng 3 tỷ người và châu lục này có thể chiếm tới 50% tầng lớp trung lưu của thế giới.
Ngoài ra, vốn đầu tư mạo hiểm của châu Á đã tăng mạnh trong thời gian qua để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ và tinh thần khởi nghiệp. Trung Quốc chiếm tới 20% vốn đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn 2014-2016 và hiện đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ về đầu tư khởi nghiệp.
Tính đến tháng 4/2019, châu Á chiếm hơn 1/3 số công ty khởi nghiệp có giá trị doanh nghiệp hơn 1 tỷ USD, trong đó có 91 công ty Trung Quốc, tiếp theo là Ấn Độ (13), Hàn Quốc (6) và Indonesia (4)./.