Châu Á trở thành trung tâm của thế giới - cục diện khó xoay chuyển

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể nhanh chóng đuổi kịp Mỹ. Nhật Bản và Ấn Độ cũng cảm thấy những ngày tháng thống trị thế giới của Mỹ đã qua đi.
Châu Á trở thành trung tâm của thế giới - cục diện khó xoay chuyển ảnh 1Tàu container tại cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tờ Thương báo của Hong Kong (Trung Quốc), kỷ nguyên châu Âu trở thành trung tâm thế giới là câu chuyện đầu tiên phải nói đến trong lịch sử.

Thế giới trước đó, châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ chưa thể kết nối với nhau, chứ chưa nói đến “toàn cầu hóa,” đồng thời cũng không tồn tại câu chuyện trung tâm thế giới.

Bắt đầu từ thế kỷ XIV-XV, cùng với sự sụp đổ của đế quốc La Mã, các nước mới nổi lần lượt xuất hiện ở châu Âu. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trước hết mở rộng ở châu Âu và châu Á.

Mặc dù hai nước này cũng đã bắt đầu xây dựng cứ điểm kinh doanh ở châu Mỹ và châu Á, nhưng vẫn chưa đủ để đóng vai trò chi phối và xây dựng châu Âu trở thành trung tâm thế giới.

Khi Anh bắt đầu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp, xây dựng nền tảng cấu trúc kinh tế chủ yếu dựa trên công nghiệp và thương mại quốc tế, nước này mới bắt đầu phát triển mạng lưới thương mại ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Anh thậm chí còn thiết lập thuộc địa ở một số nơi để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu công nghiệp.

[Châu Á có phải những quân cờ trên “bàn cờ cường quốc” của Mỹ?]

Sau khi Anh trở thành cường quốc số một của châu Âu, đã cùng Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… lần lượt thiết lập thuộc địa, trở thành mạng lưới thông thương của châu Âu.

Trong khi đó, châu Phi, châu Mỹ và châu Á nếu không bị mất nước, thì cũng trở thành thuộc địa hoặc bán thuộc địa.

Chẳng hạn như châu Phi trở thành thuộc địa của các nước châu Âu, Trung Đông cũng không ngoại lệ. Ấn Độ trở thành thuộc địa của Anh. Trung Quốc cũng bị châu Âu tấn công dữ dội, buộc phải mở cửa với châu Âu.

Bằng cách này, lực lượng thống trị thế giới không ai khác ngoài châu Âu, và châu Âu cũng trở thành trung tâm của thế giới đầu tiên, trong đó Anh là trung tâm của trung tâm.

Mỹ thống trị thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Tuy nhiên, châu Âu bị tổn thương nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Hitler trỗi dậy ở Đức, các nước Pháp, Hà Lan, Bỉ… lần lượt bị chiếm đóng và tiến xa hơn nữa là muốn tấn công Anh.

Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng không thể tự bảo vệ mình, công khai yêu cầu Mỹ trợ giúp, kết quả Đức bị đánh bại dưới sự tham chiến của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đánh bại Nhật Bản, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Từ đó có thể thấy rằng Chiến tranh Thế giới thứ hai đã chấm dứt kỷ nguyên châu Âu là trung tâm của thế giới.

Từ thực tế Mỹ thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để dẫn dắt Tây Âu chống Liên Xô, trên thực tế Mỹ đã thống trị châu Âu. Về phía châu Á, Mỹ không chiếm ưu thế về quân sự và vẫn còn cách xa cục diện thống trị.

Tuy nhiên, về kinh tế thương mại và tài chính, trước thế kỷ XXI, châu Á vẫn lạc hậu so với Mỹ, đồng thời phát triển khoa học công nghệ cũng kém xa Mỹ, do đó Mỹ sử dụng chính sách ngoại giao để can dự sâu vào châu Á.

Chẳng hạn chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, sử dụng “tối huệ quốc” để đối xử thương mại với Trung Quốc.

Đối với Nhật Bản cũng tương tự như vậy, một mặt Mỹ ngăn chặn Nhật Bản xây dựng quân đội, một mặt hỗ trợ Nhật Bản phát triển kinh tế thương mại. Các khu vực khác ở châu Á như Ấn Độ và Đông Nam Á cũng được Mỹ sử dụng chính sách ngoại giao tương tự để phát triển kinh tế thương mại.

Từ đó có thể nói rằng, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến cuối thế kỷ XX, Mỹ chỉ có thể thay thế một nửa địa vị thống trị thế giới của châu Âu.

Điều này có nghĩa là về mặt quân sự, Mỹ không đạt được địa vị thống trị quân sự thế giới như trong kỷ nguyên của các đế quốc châu Âu, mà chỉ thay thế địa vị thống trị thế giới của châu Âu về kinh tế thương mại.

Trung tâm của thế giới chính là Trung Quốc

Tuy nhiên, đến hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, ngay cả địa vị thống trị thế giới về kinh tế thương mại Mỹ cũng không giữ vững.

Thực tế rõ ràng nhất là các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới ở Mỹ đã cảm thấy việc chỉ dựa vào thị trường Mỹ không thể duy trì tăng trưởng liên tục, phải bước ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới, nếu không sự suy giảm sẽ kéo dài và cuối cùng gặp phải số phận sụp đổ.

Ví dụ điển hình nhất là tập đoàn General Motors (GM) - “anh cả” trong ngành ôtô. GM từng thúc đẩy các doanh nghiệp khác, cùng xây dựng vị thế số một thế giới về công nghiệp của Mỹ.

Tuy nhiên, công ty này không những đã suy thoái đến bên bờ vực không thể hồi sinh, mà ngay cả thành phố Detroit phát triển dựa vào GM cũng bị nhấn chìm thành “thành phố ma.” Để tự giải cứu, GM đành phải đến Trung Quốc để tìm lối thoát khác.

Một ví dụ tiêu biểu khác là nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart, do công ty bắt đầu suy thoái nên cũng hướng sang Trung Quốc để sinh tồn. Tình trạng giống như hai công ty trên xảy ra ở các ngành khác nhau, chẳng hạn Apple và Boeing đều hướng sự chú ý đến thị trường Trung Quốc.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất đồ dùng sinh hoạt thường ngày đã sớm “xóa sổ,” bởi vì lương công nhân cao, thị trường khá nhỏ nên không thể tồn tại.

Kết quả là Trung Quốc trở thành ông lớn công nghiệp hàng tiêu dùng phổ thông lớn nhất thế giới, trở thành “công xưởng thế giới.”

Đánh giá từ góc độ những vấn đề Mỹ đang gặp phải hiện nay, châu Á có ba nước đã phân chia thị trường sản xuất và tiêu dùng của Mỹ, đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Mỹ cho rằng có thể lôi kéo Nhật Bản và Ấn Độ để kiềm chế tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng Mỹ không thể ngăn cản Nhật Bản và Ấn Độ hướng đến thị trường Trung Quốc. Điều này có thể nhìn thấy từ số liệu trao đổi thương mại của ba nước.

Trên thực tế, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và có thể nhanh chóng đuổi kịp Mỹ. Nhật Bản và Ấn Độ cũng cảm thấy những ngày tháng thống trị thế giới của Mỹ đã qua đi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục