Châu Âu cần khôi phục lòng tin hệ thống tài chính

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh chìa khóa để khu vực đồng euro phục hồi tăng trưởng là khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính.
Trong báo cáo hàng năm về hiện trạng kinh tế 16 nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) công bố ngày 23/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh chìa khóa để khu vực kinh tế này phục hồi tăng trưởng nhanh chóng là khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính.

Tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực này hiện vẫn chậm và rất mong manh, với tốc độ tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 1% trong năm 2010 và 1,25% trong năm 2011.

Báo cáo của IMF nêu rõ tình trạng rối loạn trong hệ thống tài chính đã phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tại châu Âu. Những biện pháp mạnh của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thiết lập Cơ chế ổn định châu Âu đã giúp ổn định các thị trường tài chính. Các cuộc sát hạch khả năng vượt qua khủng hoảng của các ngân hàng thuộc 27 nước EU là một biện pháp mạnh để khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính châu Âu.

Kết quả các cuộc sát hạch do Ủy ban Giám sát ngân hàng châu Âu công bố ngày 23/7 cho biết 7 trong số 91 ngân hàng và thể chế tài chính thuộc các nước thành viên EU đã không vượt qua được các cuộc sát hạch, với tổng số vốn thiếu hụt lên tới 3,5 tỷ euro.

Trong 7 ngân hàng này có Ngân hàng Nông nghiệp Hy Lạp, Công ty tài chính thế chấp Hypo Real Estate Holding AG của Đức cùng 5 ngân hàng của Tây Ban Nha.

IMF cho rằng giải quyết căng thẳng trong hệ thống tài chính ngân hàng cũng là chìa khoá để các khách hàng, các công ty và các thể chế kinh tế khác của EU được hưởng lợi từ chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Báo cáo của IMF nhấn mạnh nhân tố cốt lõi của khủng hoảng lòng tin vào hệ thống tài chính của EU là những lo ngại về thâm hụt ngân sách lớn và nợ công cao. Để giải tỏa những lo ngại này, vị thế tài chính của eurozone phải được cân bằng trong năm 2010 và được củng cố trong năm 2011. Sự bền vững tài chính trung hạn cần được thiết lập ở tất cả các nước trong khu vực này.

Để đạt được mục tiêu đó, các nước khu vực đồng euro cần siết chặt kỷ luật tài chính, tăng cường cải cách cơ cấu, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cải tổ trong các thể chế của EU về các quy chế quản lý rủi ro hệ thống cũng như các quy chế tài chính thích hợp theo từng năm để ổn định hệ thống tài chính khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục