Châu Âu đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin xe điện trong bối cảnh doanh số bán ôtô điện tăng cao và xe hơi chạy xăng sẽ dần bị loại bỏ từ nay đến năm 2035.
Theo AFP, tăng cường sản lượng pin của khu vực không chỉ được coi là một vấn đề an ninh mà còn góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và tạo việc làm ở châu Âu.
Giữa tháng 7/2021, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo kế hoạch cấm bán xe ôtô mới có động cơ chạy xăng và dầu vào năm 2035. Đây được coi là khung thời gian để châu Âu dần chuyển đổi sang sử dụng xe điện hoàn toàn.
Nhiều nhà sản xuất ôtô đã công bố kế hoạch chuyển hướng sang xe điện. Hãng sản xuất ôtô Daimler (Đức) tuần trước thông báo rằng từ năm 2025, hãng sẽ chỉ tung ra các loại xe mới chạy bằng điện và sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang ôtô điện từ năm 2030.
Các số liệu cho thấy tại châu Âu, thị phần của ôtô điện đã tăng gấp đôi trong quý 2/2021. Trong quá trình ngành công nghiệp ôtô châu Âu chuyển đổi sang ôtô điện, nhu cầu pin sẽ rất lớn.
[Châu Âu xây dựng các siêu nhà máy sản xuất pin cho ôtô điện]
Pin cung cấp năng lượng cho ôtô điện nặng tới 600kg và là bộ phận chiếm giá trị đáng kể trong chiếc xe. Hiện tại, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực này.
Theo tổ chức phi chính phủ Transport & Environment, khoảng 40 tỷ euro (47 tỷ USD) dự kiến sẽ được đầu tư vào 38 nhà máy ở châu Âu, để có thể sản xuất 1.000 GWh pin mỗi năm.
Với công suất trung bình của pin là 60KWh, con số trên đủ để cung cấp năng lượng cho 16,7 triệu phương tiện.
Một sáng kiến đáng chú ý là hãng sản xuất ôtô điện Northvolt (Thụy Điển) đang xây dựng một nhà máy pin có công suất tổng cộng 150GWh từ nay đến năm 2030.
“Người khổng lồ” Volkswagen (Đức) cũng đang lên kế hoạch xây dựng 5 nhà máy sản xuất pin. Daimler, trong thông báo vào tuần trước, cho biết họ sẽ xây dựng 8 nhà máy sản xuất pin trên toàn thế giới dành cho các dòng xe Mercedes-Benz và Smart của hãng.
Nhà sản xuất ôtô điện Tesla (Mỹ) dự kiến sẽ khánh thành “siêu nhà máy” đầu tiên ở châu Âu vào cuối năm nay, nơi sản xuất cả pin và động cơ xe điện của hãng.
Tesla đã tuyên bố cơ sở này sẽ trở thành nơi sản xuất pin lớn nhất thế giới với công suất 250 GWh vào năm 2030.
Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic gần đây phát biểu rằng, các nhà máy (sản xuất pin) sẽ đưa EU "đi đúng hướng nhằm đạt được quyền tự chủ chiến lược mở trong lĩnh vực quan trọng này."
Tuy nhiên, Olivier Montique, nhà phân tích trong lĩnh vực ôtô tại công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, cho rằng các kế hoạch trên vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu pin xe điện của khu vực. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất ôtô điện vẫn đang hợp tác với các nhà sản xuất pin châu Á.
Nhà sản xuất ôtô Renault (Pháp) và Nissan (Nhật Bản) đã cùng đối tác sản xuất pin Trung Quốc Envision AESC hợp tác xây dựng các nhà máy pin lần lượt ở Pháp và Anh.
Các công ty Hàn Quốc như LG Chem và SKI đặt cơ sở sản xuất pin của họ ở Ba Lan và Hungary. Nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới CATL của Trung Quốc, chuyên cung cấp pin xe điện cho Tesla và Volkswagen, đang xây dựng một nhà máy ở Đức.
Bên cạnh đó, lithium là nguyên liệu vô cùng quan trọng trong sản xuất pin. Pin ôtô điện hiện đang sử dụng công nghệ lithium-ion, tương tự như công nghệ cung cấp năng lượng cho hầu hết các thiết bị điện tử ngày nay.
Châu Âu có một số nguồn cung cấp lithium trong khu vực, đặc biệt là ở Cộng hòa Czech (Séc) và Đức, nhưng nhiều khả năng khu vực này vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Nhà phân tích Montique cho biết, châu Âu có thể sẽ cần tìm kiếm các thỏa thuận với các thị trường có nguồn cung lithium dồi dào, quan hệ ngoại giao chặt chẽ và khuôn khổ đầu tư mạnh mẽ để giảm nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu quan trọng này./.