Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong hai ngày 22 và 23/11 tại Brussels (Bỉ) không đạt được thoả thuận về kế hoạch ngân sách trong giai đoạn 2014-2020 vì không thể thu hẹp những bất đồng sâu sắc giữa các nước giàu và nghèo của Liên minh chủ yếu trong vấn đề phải chi hàng tỷ euro vào các chương trình phát triển kinh tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron đại diện cho nhóm các quốc gia ủng hộ chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã yêu cầu cắt giảm mạnh ngân sách của khối giai đoạn 2014-2020, phù hợp với các biện pháp thắt chặt chi tiêu được thực hiện tại mỗi nước.
Theo một nhà ngoại giao EU, rào cản chính của hội nghị là đề nghị của Thủ tướng Cameron, được sự ủng hộ của Thụy Điển và Hà Lan, đòi cắt giảm mạnh kế hoạch ngân sách dài hạn của khối.
Ông Cameron cam kết sẽ cắt giảm ngân sách từ mức đề xuất 1.047 tỷ euro xuống còn 886 tỷ euro. Trong khi đó, một số nước khác, trong đó có Đức và Pháp, kiên quyết bảo vệ kế hoạch tăng ngân sách chi tiêu của khối.
Một cuộc họp mới đang được lên kế hoạch, có khả năng diễn ra vào tháng 1/2013, nhằm nỗ lực giải quyết những bất đồng giữa các thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tỏ ý tự tin về một thỏa thuận có thể đạt được vào đầu năm tới.
Kinh tế châu Âu lại gặp khó
Theo số liệu thống kê hàng quý, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý 3/2012 lại đối mặt với những khó khăn như giai đoạn đầu năm 2009. Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy nhiều doanh nghiệp ở châu Âu đang phải đối phó tình hình khó khăn hơn trong tháng 11 này khi hội nghị thượng đỉnh EU không đạt được thỏa thuận về ngân sách nhằm đưa kinh tế khu vực hồi phục và phát triển.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone tiếp tục sụt giảm 0,1% trong quý 3/2012, sau khi đã giảm 0,2% trong quý 2/2012.
Như vậy, Eurozone đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật do có hai quý giảm liên tiếp. Đây là lần thứ hai Eurozone chính thức rơi vào suy thoái kể từ năm 2009. Mặc dù các nền kinh tế "đầu tàu" Đức và Pháp vẫn tiếp tục tăng trưởng, song nếu tính toàn bộ 17 nền kinh tế thành viên, khu vực eurozone vẫn rơi vào suy thoái sâu.
Tăng trưởng của khu vực dịch vụ và sản xuất của châu Âu trong quý 3/2012 kém hơn dự báo của các nhà kinh tế, chứng tỏ sự phục hồi ở khu vực này đang mất đà.
Các công ty kinh doanh dịch vụ như ngân hàng và khách sạn, phần lớn đều trong tình trạng rất kém sau khi sa thải nhân viên với tốc độ chóng mặt. Hoạt động sản xuất và dịch vụ của Eurozone đang kém nhất trong 40 tháng qua.
Theo kết quả khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Markit công bố mới đây, chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Eurozone đã giảm xuống 45,7 điểm trong tháng 11/2012, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009.
Số liệu thống kê cho biết trong quý vừa qua, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ 0,2% trong quý 3/2012, thấp hơn mức 0,5% và 0,3% trong hai quý đầu năm 2012.
Tình hình kinh doanh tại Đức cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010. Theo nhà kinh tế Chris Williamson của Markit, nền kinh tế Đức cũng bắt đầu cảm nhận rõ ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng nợ công. Trong khi đó, kinh tế Pháp cũng chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 3/2012.
Trong khi EU còn chưa tìm được tiếng nói chung về ngân sách chi tiêu năm 2013 thì hàng trăm nghìn người lao động trong toàn khối đã tổ chức các cuộc biểu tình và đình công phản đối tình trạng thất nghiệp gia tăng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Các cuộc đình công diễn ra tại hàng loạt quốc gia châu Âu, gây ảnh hưởng và làm ngưng trệ hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không trong bối cảnh kinh tế châu Âu dự kiến có thể còn tiếp tục xấu hơn trong quý cuối năm nay.
EC trình dự thảo ngân sách mới cho năm 2013
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra dự thảo ngân sách mới của Liên minh châu Âu (EU) cho năm 2013, chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU không đạt được nhất trí về một kế hoạch chi tiêu dài hạn riêng đối với giai đoạn 2014-2020.
Bản dự thảo chi tiết ngân sách 2013 đã được điều chỉnh hầu như không thay đổi so với đề xuất ban đầu của EC, mà đầu tháng 11 không nhận được sự ủng hộ của các Chính phủ và nhà làm luật EU.
Khoảng 3/4 ngân sách hàng năm của EU hiện được dành cho các khoản trợ giá cho khu vực nông nghiệp và các dự án xây dựng, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng, cầu đường ở các quốc gia thành viên ở khu vực Đông Âu và Nam Âu./.
Tại hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron đại diện cho nhóm các quốc gia ủng hộ chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã yêu cầu cắt giảm mạnh ngân sách của khối giai đoạn 2014-2020, phù hợp với các biện pháp thắt chặt chi tiêu được thực hiện tại mỗi nước.
Theo một nhà ngoại giao EU, rào cản chính của hội nghị là đề nghị của Thủ tướng Cameron, được sự ủng hộ của Thụy Điển và Hà Lan, đòi cắt giảm mạnh kế hoạch ngân sách dài hạn của khối.
Ông Cameron cam kết sẽ cắt giảm ngân sách từ mức đề xuất 1.047 tỷ euro xuống còn 886 tỷ euro. Trong khi đó, một số nước khác, trong đó có Đức và Pháp, kiên quyết bảo vệ kế hoạch tăng ngân sách chi tiêu của khối.
Một cuộc họp mới đang được lên kế hoạch, có khả năng diễn ra vào tháng 1/2013, nhằm nỗ lực giải quyết những bất đồng giữa các thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tỏ ý tự tin về một thỏa thuận có thể đạt được vào đầu năm tới.
Kinh tế châu Âu lại gặp khó
Theo số liệu thống kê hàng quý, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý 3/2012 lại đối mặt với những khó khăn như giai đoạn đầu năm 2009. Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy nhiều doanh nghiệp ở châu Âu đang phải đối phó tình hình khó khăn hơn trong tháng 11 này khi hội nghị thượng đỉnh EU không đạt được thỏa thuận về ngân sách nhằm đưa kinh tế khu vực hồi phục và phát triển.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone tiếp tục sụt giảm 0,1% trong quý 3/2012, sau khi đã giảm 0,2% trong quý 2/2012.
Như vậy, Eurozone đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật do có hai quý giảm liên tiếp. Đây là lần thứ hai Eurozone chính thức rơi vào suy thoái kể từ năm 2009. Mặc dù các nền kinh tế "đầu tàu" Đức và Pháp vẫn tiếp tục tăng trưởng, song nếu tính toàn bộ 17 nền kinh tế thành viên, khu vực eurozone vẫn rơi vào suy thoái sâu.
Tăng trưởng của khu vực dịch vụ và sản xuất của châu Âu trong quý 3/2012 kém hơn dự báo của các nhà kinh tế, chứng tỏ sự phục hồi ở khu vực này đang mất đà.
Các công ty kinh doanh dịch vụ như ngân hàng và khách sạn, phần lớn đều trong tình trạng rất kém sau khi sa thải nhân viên với tốc độ chóng mặt. Hoạt động sản xuất và dịch vụ của Eurozone đang kém nhất trong 40 tháng qua.
Theo kết quả khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Markit công bố mới đây, chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Eurozone đã giảm xuống 45,7 điểm trong tháng 11/2012, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009.
Số liệu thống kê cho biết trong quý vừa qua, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ 0,2% trong quý 3/2012, thấp hơn mức 0,5% và 0,3% trong hai quý đầu năm 2012.
Tình hình kinh doanh tại Đức cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010. Theo nhà kinh tế Chris Williamson của Markit, nền kinh tế Đức cũng bắt đầu cảm nhận rõ ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng nợ công. Trong khi đó, kinh tế Pháp cũng chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 3/2012.
Trong khi EU còn chưa tìm được tiếng nói chung về ngân sách chi tiêu năm 2013 thì hàng trăm nghìn người lao động trong toàn khối đã tổ chức các cuộc biểu tình và đình công phản đối tình trạng thất nghiệp gia tăng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Các cuộc đình công diễn ra tại hàng loạt quốc gia châu Âu, gây ảnh hưởng và làm ngưng trệ hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không trong bối cảnh kinh tế châu Âu dự kiến có thể còn tiếp tục xấu hơn trong quý cuối năm nay.
EC trình dự thảo ngân sách mới cho năm 2013
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra dự thảo ngân sách mới của Liên minh châu Âu (EU) cho năm 2013, chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU không đạt được nhất trí về một kế hoạch chi tiêu dài hạn riêng đối với giai đoạn 2014-2020.
Bản dự thảo chi tiết ngân sách 2013 đã được điều chỉnh hầu như không thay đổi so với đề xuất ban đầu của EC, mà đầu tháng 11 không nhận được sự ủng hộ của các Chính phủ và nhà làm luật EU.
Khoảng 3/4 ngân sách hàng năm của EU hiện được dành cho các khoản trợ giá cho khu vực nông nghiệp và các dự án xây dựng, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng, cầu đường ở các quốc gia thành viên ở khu vực Đông Âu và Nam Âu./.
Anh Quân (TTXVN)