Sáng 21/8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 33, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, đánh giá tác động, rà soát điều ước quốc tế và tham khảo pháp luật một số nước trong lĩnh vực pháp luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, bà Thu Ba cũng cho rằng giữa mục đích, mục tiêu được xác định ban đầu là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Dân sự hiện hành với các quan điểm chỉ đạo là không phù hợp.
Các quan điểm chỉ đạo trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao chỉ phù hợp với mục tiêu sửa đổi toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự. Trong khi đó, việc đề nghị sửa đổi, bổ sung 126 điều của Bộ luật tố tụng Dân sự, với nhiều nội dung mới thì phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật là gần như toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự.
Để thể chế hóa được chủ trương này của Đảng, cần phải có thời gian thích hợp, việc nghiên cứu phải rộng và kỹ lưỡng hơn, việc sửa đổi Bộ luật tố tụng Dân sự phải toàn diện hơn. Thời điểm hiện nay, Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân chưa sửa đổi được nên cũng chưa thể sửa đổi toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự.
Trao đổi về việc nên hay không nên đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án, đa số đại biểu thống nhất với ý kiến của thường trực Ủy ban Tư pháp là chưa nên áp dụng và cần tiếp tục nghiên cứu để xem xét khi sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và khi tiến hành sửa đổi toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng băn khoăn về việc tuyên truyền nhiều về án lệ nhưng hình như chưa có sự nghiên cứu án lệ là gì, trong bối cảnh nhà nước nào thì áp dụng án lệ. Luật pháp luôn luôn thay đổi thì làm sao có thể dùng bản án đó để giải quyết các vụ án về sau. Do vậy, không nên đặt ra vấn đề áp dụng án lệ.
Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận khẳng định pháp luật của Việt Nam là luật thành văn, không dung nạp án lệ. Còn bà Thu Ba thì cho rằng, việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài về án lệ cần thận trọng, tránh rập khuôn, máy móc, không phù hợp với điều kiện Việt Nam vì mỗi nước có chế độ pháp luật riêng.
Theo quy định tại Điều 18a dự thảo Luật, việc hiểu án lệ còn đơn giản và không đúng nguyên tắc, chưa làm rõ trường hợp nào được áp dụng án lệ, mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật. Không phải bất kỳ bản án nào của Tòa án cấp trên cũng được coi là án lệ và buộc Tòa án cấp dưới phải tham khảo khi tiến hành xét xử.
Đối với những ý kiến khác nhau về sự tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và các ông Nguyễn Văn Thuận, Trần Thế Vượng, bà Thu Ba đều cho rằng cần đề cao trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong tham gia các hoạt động tố tụng.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Thế Vượng cho biết do quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự về trách nhiệm tham gia phiên tòa của Viện Kiểm sát chưa hợp lý, chưa rõ vai trò đã gây khó cho cơ quan này trong việc thực hiện quyền kiểm soát việc tuân thủ pháp luật tại phiên tòa, phiên họp, quyền kiến nghị, kháng nghị và yêu cầu.
Viện Kiểm sát không làm được việc kháng nghị vì không kiểm soát hồ sơ, không kiểm soát xét xử. Trong các vụ án dân sự về kinh tế, tòa án gần như khép kín nên dễ dẫn đến thiếu khách quan khi giải quyết vụ việc.
“Ngoài việc nên trao lại cho Viện Kiểm sát thẩm quyền về kiểm soát các hoạt động của tòa, nên trao cho Viện Kiểm sát quyền khởi tố vụ án dân sự trong một số trường hợp như các vụ việc liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước mà không có người khởi kiện” - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đề xuất.
Các đại biểu cũng thống nhất đưa nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng tại phiên tòa vào dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền dân chủ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa; các bên có quyền tự thỏa thuận việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá hoặc yêu cầu Tòa án thành lập Hội đồng định giá.
Cơ bản thống nhất với các ý kiến đề xuất, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết sẽ rút bớt các nội dung đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án và xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự bức xúc, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án và mở rộng vai trò của Viện Kiểm sát./.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, đánh giá tác động, rà soát điều ước quốc tế và tham khảo pháp luật một số nước trong lĩnh vực pháp luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, bà Thu Ba cũng cho rằng giữa mục đích, mục tiêu được xác định ban đầu là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Dân sự hiện hành với các quan điểm chỉ đạo là không phù hợp.
Các quan điểm chỉ đạo trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao chỉ phù hợp với mục tiêu sửa đổi toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự. Trong khi đó, việc đề nghị sửa đổi, bổ sung 126 điều của Bộ luật tố tụng Dân sự, với nhiều nội dung mới thì phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật là gần như toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự.
Để thể chế hóa được chủ trương này của Đảng, cần phải có thời gian thích hợp, việc nghiên cứu phải rộng và kỹ lưỡng hơn, việc sửa đổi Bộ luật tố tụng Dân sự phải toàn diện hơn. Thời điểm hiện nay, Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân chưa sửa đổi được nên cũng chưa thể sửa đổi toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự.
Trao đổi về việc nên hay không nên đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án, đa số đại biểu thống nhất với ý kiến của thường trực Ủy ban Tư pháp là chưa nên áp dụng và cần tiếp tục nghiên cứu để xem xét khi sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và khi tiến hành sửa đổi toàn diện Bộ luật tố tụng Dân sự.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng băn khoăn về việc tuyên truyền nhiều về án lệ nhưng hình như chưa có sự nghiên cứu án lệ là gì, trong bối cảnh nhà nước nào thì áp dụng án lệ. Luật pháp luôn luôn thay đổi thì làm sao có thể dùng bản án đó để giải quyết các vụ án về sau. Do vậy, không nên đặt ra vấn đề áp dụng án lệ.
Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận khẳng định pháp luật của Việt Nam là luật thành văn, không dung nạp án lệ. Còn bà Thu Ba thì cho rằng, việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài về án lệ cần thận trọng, tránh rập khuôn, máy móc, không phù hợp với điều kiện Việt Nam vì mỗi nước có chế độ pháp luật riêng.
Theo quy định tại Điều 18a dự thảo Luật, việc hiểu án lệ còn đơn giản và không đúng nguyên tắc, chưa làm rõ trường hợp nào được áp dụng án lệ, mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật. Không phải bất kỳ bản án nào của Tòa án cấp trên cũng được coi là án lệ và buộc Tòa án cấp dưới phải tham khảo khi tiến hành xét xử.
Đối với những ý kiến khác nhau về sự tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và các ông Nguyễn Văn Thuận, Trần Thế Vượng, bà Thu Ba đều cho rằng cần đề cao trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong tham gia các hoạt động tố tụng.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Thế Vượng cho biết do quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự về trách nhiệm tham gia phiên tòa của Viện Kiểm sát chưa hợp lý, chưa rõ vai trò đã gây khó cho cơ quan này trong việc thực hiện quyền kiểm soát việc tuân thủ pháp luật tại phiên tòa, phiên họp, quyền kiến nghị, kháng nghị và yêu cầu.
Viện Kiểm sát không làm được việc kháng nghị vì không kiểm soát hồ sơ, không kiểm soát xét xử. Trong các vụ án dân sự về kinh tế, tòa án gần như khép kín nên dễ dẫn đến thiếu khách quan khi giải quyết vụ việc.
“Ngoài việc nên trao lại cho Viện Kiểm sát thẩm quyền về kiểm soát các hoạt động của tòa, nên trao cho Viện Kiểm sát quyền khởi tố vụ án dân sự trong một số trường hợp như các vụ việc liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước mà không có người khởi kiện” - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đề xuất.
Các đại biểu cũng thống nhất đưa nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng tại phiên tòa vào dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền dân chủ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa; các bên có quyền tự thỏa thuận việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá hoặc yêu cầu Tòa án thành lập Hội đồng định giá.
Cơ bản thống nhất với các ý kiến đề xuất, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết sẽ rút bớt các nội dung đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án và xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự bức xúc, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án và mở rộng vai trò của Viện Kiểm sát./.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)