Chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Phải ưu tiên lao động tự do

Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo... đã có danh sách quản lý thì triển khai chi trả hỗ trợ trong tháng 4. Đặc biệt, lao động tự do đang rất khó khăn cũng phải được ưu tiên.
Chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Phải ưu tiên lao động tự do ảnh 1Hà Nam làm thủ tục cho các đối tượng nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các địa phương đang đẩy nhanh tốc độ chi trả gói chính sách hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đến người dân. Tại một số địa phương, người dân đã nhận được tiền hỗ trợ. Việc lập danh sách đối tượng, chi trả hỗ trợ cũng sẽ được công khai để người dân giám sát chặt chẽ.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai và giảm sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội.

Thực hiện chi trả ngay trước 30/4

Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã triển khai việc chuyển, phát các khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các khoản hỗ trợ an sinh trong đợt đầu được chuyển, phát tới người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội  Thành phố Hồ Chí Minh cho hay xác định đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, ngay từ ngày 27/3 địa phương này đã thực hiện chính sách hỗ trợ lao động mất việc, ngừng việc không đủ kiều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và giáo viên mầm non, mẫu giáo ngoài công lập cho 102.000 người với tổng kinh phí 306 tỷ đồng, đến nay đã đến tay người lao động. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ 18.707 người bán vé số lưu động với tổng kinh phí là 13 tỷ đồng từ ngày 1/4-15/4. 

Theo ông Tấn, hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện hỗ trợ 5 nhóm đối tượng người có công; hộ nghèo, cận nghèo; bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng; lao động ngừng việc, mất việc; lao động không có ký kết hợp đồng lao động tương ứng với 570.000 người với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương.

“Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm chi trả hỗ trợ đến tận tay người dân trước 30/4. Riêng hộ kinh doanh và doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc phấn đấu đến ngày 10/5 sẽ chi hỗ trợ,” ông Lê Minh Tấn nói.

Không chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh, hôm qua (26/4) Hải Phòng đã triển khai chi trả tới 142.000 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí hơn 179 tỷ đồng. Hà Nam cũng đã nhanh chóng ứng 106 tỷ đồng để thực hiện chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách.

Tại Hà Nội, việc thực hiện chi trả hỗ trợ tới người dân cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trong khi chờ hướng dẫn của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã sơ bộ thống kê các đối tượng để khi có quyết định có thể triển khai ngay. Đến nay, theo điều tra sơ bộ, Hà Nội có hơn 1,44 triệu đối tượng nhận hỗ trợ với kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 3.500 tỷ đồng.

[Thủ tướng ban hành hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng]

Theo ông Ngô Văn Quý, ba đối tượng người nghèo, người có công, bảo trợ xã hội đã có danh sách quản lý sẽ triển khai ngay trước 30/4. Dự kiến, ngày 28/4, thành phố Hà Nội sẽ có quyết định để triển khai việc chi trả hỗ trợ cho ba đối tượng này.

Đối với các đối tượng lao động mất việc được hưởng hỗ trợ, hiện nay Hà Nội có tới 1 triệu người với kinh phí triển khai hơn 3.000 tỷ đồng. Do đó Hà Nội kiến nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách để thực hiện hỗ trợ nhanh, kịp thời.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh những nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo đã có danh sách quản lý thì tập trung triển khai trong tháng 4. Đặc biệt là các đối tượng lao động tự do đang rất khó khăn cần ưu tiên nhanh nhất, không chờ đến ngày 15/5. Các đối tượng lao động khác cần có hồ sơ của cơ quan lao động, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp thì có thể chậm hơn, đỗ trễ khoảng 10 ngày.

Công khai để dân giám sát

Từ kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015 cho thấy vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng. Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự giám sát của người dân trong việc thực hiện chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Phải ưu tiên lao động tự do ảnh 2Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang giải đáp những vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai việc hỗ trợ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: “Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do: Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định.”

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động-Thương binh và xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phải chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ.

Đặc biệt, mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ phải được công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát.

Ngoài ra, ông Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân. Ở Mặt trận Trung ương sẽ công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân.

Một trong những biện pháp để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ chính là xác định rõ trách nhiệm từ việc ký các văn bản, phê duyệt danh sách, biên bản làm việc, báo cáo kết quả... trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, nhất là ngành Lao động Thương binh Xã hội các cấp, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, của công đoàn, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh. Ngoài ra, phải nêu rõ thời gian triển khai, thời điểm kết thúc, thời gian tổng kết chương trình.../.
 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục