Chính phủ Italy đạt thỏa thuận về cải cách lương hưu

Ngày 25/10, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi và các đối tác trong liên minh cầm quyền đã đạt được thỏa thuận về cải cách lương hưu.
Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi và các đối tác trong liên minh cầm quyền ngày 25/10 đã đạt được thỏa thuận về cải cách lương hưu, vấn đề gây tranh cãi chính trong kế hoạch cải cách kinh tế theo yêu cầu của lãnh đạo các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Thỏa thuận này đạt được ngay trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 26/10 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay trong khu vực.

Trước đó, ông Berlusconi phải đối mặt với nhiều sức ép từ các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, yêu cầu Rome trình kế hoạch cải cách kinh tế nhằm khắc phục tình trạng tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này, đồng thời chứng minh rằng Italy sẽ không đi theo vết xe đổ của Hy Lạp.

Ngoài các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cắt giảm nợ để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, EU cũng đề nghị Italy phải tăng độ tuổi nghỉ hưu từ 65 hiện nay lên 67 tuổi, giống các nước châu Âu khác. Đây là điểm tranh cãi lớn nhất trong chính phủ của ông Berlusconi.

Theo các nhà phân tích, hiện Italy đang là tâm điểm của cơn bão nợ công châu Âu và nước này phải cần phát hành lượng trái phiếu ít nhất 600 tỷ euro trong vòng ba năm tới để thanh toán các khoản nợ đáo hạn.

Các số liệu thống kê cho thấy nợ công của Italy đã lên tới 1.800 tỷ euro (tương đương 120% GDP) và nếu không cải cách kịp thời, nước này sẽ rơi vào thảm họa kinh tế, thậm chí lớn hơn Hy Lạp.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Liên đoàn phương Bắc - liên minh quan trọng trong chính phủ do ông Berlusconi đứng đầu, vẫn tỏ ra bi quan về khả năng tồn tại của chính phủ.

Hiện Liên đoàn phương Bắc vẫn phản đối đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cho rằng ông Berlusconi đang đem tai họa đến cho Italy và yêu cầu ông này sớm từ chức.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho biết hiện EU đang chờ đợi câu trả lời từ ông Berlusconi với các biện pháp cải cách cụ thể.

Tháng trước, Italy đã thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" 54 tỷ euro nhằm cân đối ngân sách vào năm 2013, đồng thời thuyết phục Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu quốc gia và giảm nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ tại Italy vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng những biện pháp mà Chính phủ Italy đề ra chỉ làm trì trệ hơn nữa nền kinh tế vốn đã chậm chạp nếu Rome không thực hiện kết hợp các biện pháp cải cách như bãi bỏ một số quy định, tư nhân hóa và giảm thiểu tệ quan liêu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục