Chính phủ nhất trí với chương trình máy tính giá rẻ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ khuyến khích và có chính sách hỗ trợ với chương trình máy tính giá rẻ.
Ngày 4/10, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 240/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về "Chương trình máy tính giá rẻ kết nối băng thông rộng cho giáo viên, học sinh, sinh viên và đối tượng chính sách".

Theo đó, ngày 13/7, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp về Chương trình máy tỉnh giá rẻ kết nối băng thông rộng cho giáo viên, học sinh, sinh viên và đối tượng chính sách (sau đây gọi tắt là Chương trình máy tính giá rẻ).

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy tính CMS thuộc Tập đoàn CMC và Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

Sau khi nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về Chương trình máy tính giá rẻ, ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận đánh giá cao cố gắng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đề xuất và xây dựng Chương trình máy tính giá rẻ. Cơ bản thống nhất với nội dung của chương trình.

Chương trình này sẽ giúp các giáo viên, học sinh, sinh viên có máy tính phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập, đồng thời nâng cao số hộ gia đình có máy tính, kích thích phát triển thị trường công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nâng cao giá trị thương hiệu máy tính của Việt Nam, uy tín của doanh nghiệp trong nước.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan hoàn thiện nội dung dự thảo Chương trình máy tính giá rẻ, trình Chính phủ trước ngày 31/10/2011.

Trong quá trình xây dựng Chương trình này, nếu cần thiết có thể thuê tư vấn để đảm bảo chất lượng và tính khả thi trong triển khai thực hiện, đồng thời Phó Thủ tướng lưu ý một số nội dung cụ thể.

Về quy mô Chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, nhu cầu sử dụng máy tính cũng như khả năng chi trả của giáo viên, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác, từ đó xác định quy mô chương trình và lộ trình triển khai thực hiện. Phấn đấu đến năm 2015, chương trình này sẽ cung cấp máy tính giá rẻ tới 100% số giáo viên trong cả nước.

Chương trình máy tính giá rẻ có thể triển khai nhiều giai đoạn. Trước mắt tập trung vào đối tượng giáo viên, học sinh, sinh viên. Ở giai đoạn tiếp theo, có thể mở rộng dần ra các đối tượng là công chức, viên chức, các hộ gia đình.

Về cấu hình máy tính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng chi tiết cấu hình cũng như giá thành máy tính, đảm bảo máy tính có cấu hình đáp ứng tốt nhất nhu cầu giảng dạy, học tập và giải trí phù hợp với từng đối tượng sử dụng, đồng thời có giá phù hợp với khả năng chi trả. Ưu tiên sử dụng hệ điều hành và phần mềm ứng dụng là các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, qua đó góp phần giảm giá thành và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu và phát triển phầm mềm mã nguồn mở.

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu cách thức triển khai sản xuất và cung cấp máy tính, trong đó lựa chọn doanh nghiệp sản xuất theo phương thức đấu thầu trong nước, ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam, xem xét áp dụng phương thức hợp tác công tư. Cần xem xét lựa chọn và phân vùng khu vực để giao cho từng đơn vị thực hiện; có thể thực hiện thí điểm để từ đó nhân rộng ra cả nước.

Về nguồn kinh phí triển khai thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính và ngân sách cho Chương trình cũng như chính sách hỗ trợ cho các đối tượng tham gia Chương trình từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và các nguồn vốn khác.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ khuyến khích và có chính sách hỗ trợ thích hợp đối với các tập đoàn, các doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ động nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án sản xuất và cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin giá rẻ phục vụ cộng đồng và xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục