Chính phủ thảo luận, góp ý kiến một số dự án Luật

Chính phủ đã đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư công.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, chiều 6/9, Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư công.

Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ khẳng định sự cần thiết xây dựng dự án Luật này nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Đấu thầu hiện hành như phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu chưa quản lý hết các hoạt động mua sắm sử dụng vốn Nhà nước; chưa bao quát hết các lĩnh vực và hình thức lựa chọn nhà thầu; phân cấp trong đấu thầu đặc biệt là phân cấp phê duyệt chỉ định thầu chưa thực sự triệt để; nội dung về giám sát, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm trong đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chi tiết, chế tài chưa đủ mạnh.

Các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với dự án Luật về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; phân cấp trong mua sắm thường xuyên; đấu thầu điện tử (qua mạng); xử lý vi phạm trong đấu thầu.

Báo cáo tại Phiên họp về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm đạt được các mục tiêu chung là, thống nhất quản lý việc chi tiêu sử dụng vốn nhà nước; lựa chọn được nhà thầu tốt nhất trên cơ sở thực hiện tốt các yêu cầu tăng cường cạnh tranh, công khai, minh bạch, công bằng và bảo đảm hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu; phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, khi dự án Luật này được ban hành sẽ có những tác động tích cực như: có một đạo luật hoàn chỉnh thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đấu thầu; tránh được tình trạng quy định không đầy đủ, không cụ thể, không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn về hoạt động như hiện nay; luật là công cụ pháp lý quan trọng để theo dõi, đánh giá, kiểm tra kịp thời và chặt chẽ hoạt động đấu thầu; luật sẽ góp phần tích cực vào công cuộc chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật này đã được Thanh tra Chính phủ trình và xin ý kiến bước đầu của Chính phủ trong Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật được tổ chức vào đầu tháng 8/2012 vừa qua. Sau phiên họp chuyên đề, Thanh tra Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục bổ sung, chính lý dự thảo Luật.

Thảo luận về dự án Luật này, các thành viên Chính phủ đã phân tích, đóng góp ý kiến đối với các vấn đề cần tiếp tục xin ý kiến của Chính phủ liên quan đến Quy định về trách nhiệm giải trình (Điều 37); Quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 48); quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 52); quy định biện pháp tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng (Điều 66 và Điều 75); quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đối với Luật Đầu tư công, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật; sự chồng lấn của phần đầu tư công với các Luật hiện hành; về Chương trình đầu tư công; việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý các dự án đầu tư công; về dự án sử dụng các nguồn vốn hỗn hợp; về chủ đầu tư…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để bổ sung, chỉnh lý, sớm hoàn thiện các dự án Luật nêu trên.

Tại Phiên họp, Chính phủ cũng nghe báo cáo, xem xét dự án Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối; Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục