Chống buôn lậu: Bịt kẽ hở dễ phát sinh các vi phạm trên thương mại điện tử

Trong 8 tháng năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan công an nhằm ngăn chặn thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra hàng hóa vi phạm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra hàng hóa vi phạm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây song lĩnh vực thương mại điện tử đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ để các gian thương lợi dụng để tuồn hàng lậu vào thị trường nội địa.

Đây cũng là một trong những nội dung được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Tổng cục Quản lý thị trường về tình hình hoạt động 8 tháng năm 2024 và phương hướng thời gian tới, được tổ chức chiều nay (27/8), tại Hà Nội.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết trong 8 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, Tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh Trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.

Về phương thức, thủ đoạn, theo ông Trần Hữu Linh, hàng hóa sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại điện tử, thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thông tin thêm, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6/2024, kiểm tra 450 website kinh doanh thương mại điện tử, lực lượng chức năng đã phát hiện tới 1/3 đơn vị có vi phạm, chiếm tỷ lệ rất cao.

IMG_6383.jpg
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, về địa bàn, kiểm tra gần như ở tỉnh nào cũng phát hiện vi phạm. Thậm chí lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau phát hiện người bán hàng online vi phạm với kho hàng lên tới 10 tấn hàng. Khi khai thác thông tin, đối tượng khai nhận chủ yếu bán cho người tiêu dùng ở các thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

“Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động,” ông Trần Hữu Linh cho hay.

Thực tế hiện nay, việc mua hàng hóa rất tiện lợi, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính kết nối Internet, người tiêu dùng có thể đặt mua hàng ở bất kỳ đâu.

Chia sẻ thêm, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu ví dụ, khi tiến hành kiểm tra tại một địa điểm thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội), mặc dù ở vị trí rất heo hút, xa khu dân cư nhưng khách hàng thì đầy đủ ở khắp 63 tỉnh, thành của cả nước với lượng hàng giao dịch rất lớn.

Vì vậy, ngoài xử lý người vi phạm, ông đề nghị ràng buộc trách nhiệm đối với đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyển phát nhanh nếu phát hiện hàng hóa không đủ các quy định về hóa đơn chứng từ...

Cùng ý kiến trên đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng ngoài việc bổ sung trách nhiệm của các thương nhân cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh… cần làm rõ thêm trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp sàn thương mại điện tử trong việc cùng cơ quan chức năng ngăn chặn các vi phạm khi giao dịch trên sàn của mình.

Tăng cường cơ chế chia sẻ dữ liệu

Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho biết hàng giả, nhái trên môi trường mạng ngày càng phổ biến và tinh vi, tỷ lệ vi phạm cao và là thách thức rất lớn với lực lượng chức năng.

Trong 8 tháng vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới cơ quan công an nhằm ngăn chặn thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Ngoài ra, cơ quan này đã rà soát và chuyển thông tin hơn 110 website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm về hành chính cho Tổng cục Quản lý thị trường và lực lượng quản lý thị trường ở địa phương để xử lý theo thẩm quyền.

Cục cũng phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương, tổ chức các lớp phổ biến pháp luật về thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp… nhằm nâng cao kiến thức trong lĩnh vực này đồng thời tăng cường cơ chế chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử với lực lượng quản lý thị trường đặc biệt là với cơ quan quản lý thuế, công an, nhằm nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng phòng tránh các rủi ro.

“Phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tăng cường rà soát và chuyển thông tin về các website, ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm để giúp lực lượng chức năng xử lý theo thẩm quyền,” bà Lê Hoàng Oanh nói.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả của lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, điều này này đã góp phần lành mạnh hóa thị trường trong nước. Đặc biệt một số lĩnh vực nổi cộm, có diễn biến phức tạp, như lĩnh vực thương mại điện tử, số vụ xử lý tăng 2,4 lần và số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, một số vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra.

D1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý các giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhấn mạnh mục tiêu chung của công tác quản lý thị trường năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất-kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lực lượng quản lý thị trường tập trung đấu tranh hàng giả theo tuyến, địa bàn nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025.

Đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng lưu ý tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

“Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của ngành, đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục