Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/10-2/11/2012.
Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu đến Việt Nam kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990.
Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên, có dân số khoảng 500 triệu người, chiếm 7,3% toàn thế giới với thu nhập bình quân đầu người 34.000 USD/người/năm, GDP năm 2011 đạt 17,69 nghìn tỷ USD. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù và quan trọng hàng đầu thế giới với mức độ liên kết sâu sắc.
Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu. Hội đồng châu Âu là cơ quan quyền lực cao nhất của EU gồm lãnh đạo 27 nước thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Hội đồng đưa ra định hướng và ưu tiên chính trị cho cả khối. Các quyết định của Hội đồng châu Âu chủ yếu được thông qua theo hình thức đồng thuận...
Năm 1996, EU chính thức mở Phái đoàn đại diện tại Hà Nội. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai bên đã đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam-EU phát triển nhanh chóng đặt ra yêu cầu xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới, phản ánh được mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ và xây dựng khuôn khổ pháp lý mới thay thế cho Hiệp định khung Việt Nam-EC năm 1995. Trên tinh thần đó, tháng 6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam-EU đến năm 2010 và định hướng đến 2015, chủ trương xây dựng "quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vì hòa bình và phát triển."
Sau 9 vòng đàm phán (từ tháng 6/2008-10/2010), ngày 4/10/2010, Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) đã được ký tắt bên lề Hội nghị ASEM-8 tại Bỉ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Barroso.
Ngày 27/6/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh đã cùng ký chính thức Hiệp định PCA tại Brussels, Bỉ. PCA giữa Việt Nam và EU đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hợp tác hai bên, thể hiện những bước phát triển to lớn, sâu rộng của quan hệ Việt Nam-EU trong 20 năm qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-EU bước sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn.
Trong các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ song phương, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên, thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và thăm lẫn nhau.
Về phía Việt Nam có: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm EC (10/2010); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Nghị viện châu Âu (EP) (12/2011); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch EC Barosso bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul, Hàn Quốc; Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton bên lề Hội nghị AEMM-19 tại Brunei (4/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm EU và ký chính thức Hiệp định PCA Việt Nam-EU (6/2012).
Về phía EU có: Chủ tịch EC José Manuel Barroso thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2007. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch EC kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Ủy viên thương mại EC Karel de Gucht thăm làm việc tại Việt Nam vào tháng 2/2010; đoàn các nghị sĩ EP thăm Việt Nam tháng 3/2010. Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại EU thăm Việt Nam và tiến hành tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên với Việt Nam tháng 2/2012...
Trong quan hệ hợp tác kinh tế, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%/năm. Về đầu tư, hầu hết các nước thành viên và các tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam. Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU. Hiện EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trong vòng 11 năm, từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 24,29 tỷ USD năm 2011 (tăng gần 37% so với năm 2010), trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16,55 tỷ USD, tăng 45%, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 7,75 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2010. Thương mại hai chiều 8 tháng đầu năm 2012 đạt trên 18 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 12,69 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 5,75 tỷ USD.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU năm 2011 vẫn là những mặt hàng truyền thống như: giày da, dệt may, càphê hạt xanh, đồ gỗ, hải sản, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ EU vẫn là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, dược phẩm, vải các loại, phân bón...
Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam-EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm gần đây với mức xuất siêu trung bình từ 3-5 tỷ USD, tương đương 50% kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.
Tháng 10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Barroso đã tuyên bố khởi động đàm phán FTA song phương sau khi hoàn tất các vấn đề kỹ thuật. Sau khởi động đàm phán, vào tháng 10/2012 hai bên đã tiến hành đàm phán FTA phiên đầu tiên tại Hà Nội.
Các nước thành viên EU hiện là một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2012, đã có 20 trong tổng số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.226 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký khoảng 4,75 tỷ USD.
Về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, tính đến hết tháng 8/2012, Việt Nam có 33 dự án đầu tư sang 10 nước EU với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 107 triệu USD. Nhìn chung quy mô đầu tư còn nhỏ (bình quân 1 dự án khoảng 1 triệu USD), song đây là những bước đi ban đầu để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU.
Hiện EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng ODA cam kết trong giai đoạn 1996-2012 là hơn 13 tỷ USD, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
EC và các nước thành viên EU cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thể chế, khoa học công nghệ, giáo dục, pháp luật, y tế, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thăm Việt Nam nhằm thể hiện sự coi trọng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực đang phát triển năng động; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế thành công của Việt Nam; trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn của Hiệp định PCA; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; thông báo các biện pháp EU triển khai đối phó với khủng hoảng khu vực đồng Euro và trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ hai bên tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế./.
Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu đến Việt Nam kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990.
Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên, có dân số khoảng 500 triệu người, chiếm 7,3% toàn thế giới với thu nhập bình quân đầu người 34.000 USD/người/năm, GDP năm 2011 đạt 17,69 nghìn tỷ USD. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù và quan trọng hàng đầu thế giới với mức độ liên kết sâu sắc.
Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu. Hội đồng châu Âu là cơ quan quyền lực cao nhất của EU gồm lãnh đạo 27 nước thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Hội đồng đưa ra định hướng và ưu tiên chính trị cho cả khối. Các quyết định của Hội đồng châu Âu chủ yếu được thông qua theo hình thức đồng thuận...
Năm 1996, EU chính thức mở Phái đoàn đại diện tại Hà Nội. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai bên đã đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam-EU phát triển nhanh chóng đặt ra yêu cầu xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới, phản ánh được mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ và xây dựng khuôn khổ pháp lý mới thay thế cho Hiệp định khung Việt Nam-EC năm 1995. Trên tinh thần đó, tháng 6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam-EU đến năm 2010 và định hướng đến 2015, chủ trương xây dựng "quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vì hòa bình và phát triển."
Sau 9 vòng đàm phán (từ tháng 6/2008-10/2010), ngày 4/10/2010, Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) đã được ký tắt bên lề Hội nghị ASEM-8 tại Bỉ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Barroso.
Ngày 27/6/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh đã cùng ký chính thức Hiệp định PCA tại Brussels, Bỉ. PCA giữa Việt Nam và EU đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hợp tác hai bên, thể hiện những bước phát triển to lớn, sâu rộng của quan hệ Việt Nam-EU trong 20 năm qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-EU bước sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn.
Trong các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ song phương, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên, thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và thăm lẫn nhau.
Về phía Việt Nam có: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm EC (10/2010); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Nghị viện châu Âu (EP) (12/2011); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch EC Barosso bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul, Hàn Quốc; Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton bên lề Hội nghị AEMM-19 tại Brunei (4/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm EU và ký chính thức Hiệp định PCA Việt Nam-EU (6/2012).
Về phía EU có: Chủ tịch EC José Manuel Barroso thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2007. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch EC kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Ủy viên thương mại EC Karel de Gucht thăm làm việc tại Việt Nam vào tháng 2/2010; đoàn các nghị sĩ EP thăm Việt Nam tháng 3/2010. Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại EU thăm Việt Nam và tiến hành tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên với Việt Nam tháng 2/2012...
Trong quan hệ hợp tác kinh tế, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%/năm. Về đầu tư, hầu hết các nước thành viên và các tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam. Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU. Hiện EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trong vòng 11 năm, từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 24,29 tỷ USD năm 2011 (tăng gần 37% so với năm 2010), trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16,55 tỷ USD, tăng 45%, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 7,75 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2010. Thương mại hai chiều 8 tháng đầu năm 2012 đạt trên 18 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 12,69 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 5,75 tỷ USD.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU năm 2011 vẫn là những mặt hàng truyền thống như: giày da, dệt may, càphê hạt xanh, đồ gỗ, hải sản, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ EU vẫn là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, dược phẩm, vải các loại, phân bón...
Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam-EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm gần đây với mức xuất siêu trung bình từ 3-5 tỷ USD, tương đương 50% kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.
Tháng 10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Barroso đã tuyên bố khởi động đàm phán FTA song phương sau khi hoàn tất các vấn đề kỹ thuật. Sau khởi động đàm phán, vào tháng 10/2012 hai bên đã tiến hành đàm phán FTA phiên đầu tiên tại Hà Nội.
Các nước thành viên EU hiện là một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2012, đã có 20 trong tổng số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.226 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký khoảng 4,75 tỷ USD.
Về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, tính đến hết tháng 8/2012, Việt Nam có 33 dự án đầu tư sang 10 nước EU với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 107 triệu USD. Nhìn chung quy mô đầu tư còn nhỏ (bình quân 1 dự án khoảng 1 triệu USD), song đây là những bước đi ban đầu để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU.
Hiện EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng ODA cam kết trong giai đoạn 1996-2012 là hơn 13 tỷ USD, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
EC và các nước thành viên EU cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thể chế, khoa học công nghệ, giáo dục, pháp luật, y tế, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thăm Việt Nam nhằm thể hiện sự coi trọng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực đang phát triển năng động; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế thành công của Việt Nam; trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn của Hiệp định PCA; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; thông báo các biện pháp EU triển khai đối phó với khủng hoảng khu vực đồng Euro và trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ hai bên tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế./.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN)