Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy từ ngày 21-24/11/2016.
Theo đặc phái viên TTXVN, trưa 22/11 theo giờ địa phương (cuối giờ chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Rome Tổng thống Italy Sergio Mattarella và con gái đã chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân theo nghi thức trọng thể dành đón nguyên thủ quốc gia.
Sau lễ đón, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Rome, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Sergio Mattarella đã tiến hành hội đàm.
Hai đoàn Việt Nam và Italy đã thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Ngài Tổng thống và nhân dân Italy dành cho đoàn; bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với người dân Italy về những thiệt hại do các vụ động đất xảy ra liên tục vừa qua tại miền Trung Italy. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Italy trong tổng thể quan hệ với Liên minh châu Âu.
Tổng thống Sergio Mattarella đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là dấu mốc quan trọng để hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập từ năm 2013, nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 11/2015.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực và khẳng định quyết tâm chung đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; triển khai các nội hàm của Kế hoạch hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2017 - 2018, duy trì trao đổi giữa các chính đảng, thúc đẩy giao lưu nhân dân, coi đây là nền tảng chính trị quan trọng để đưa quan hệ hai nước đi vào thực chất.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định hợp tác kinh tế là trụ cột ưu tiên trong hợp tác song phương; nhất trí nâng kim ngạch thương mại lên 6 tỉ USD giai đoạn 2017 - 2018, tăng cường đầu tư của Italy tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Italy; tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Italy. Hai bên cũng nhất trí xây dựng định hướng mới về hợp tác phát triển phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nghề, môi trường, quản lý nguồn nước, cảnh báo lũ.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch và đưa khoa học - công nghệ thành lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới. Tổng thống Italy khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn di tích, tăng số lượng học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam sang Italy học tập và nghiên cứu.
Hai bên nhất trí sẽ trao đổi để sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước trong thời gian tới và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đối tác công tư (PPP) về hậu cần, đóng tàu, đường sắt, cơ sở hạ tầng.
Trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tội phạm, tăng cường hợp tác huấn luyện, cứu hộ cứu nạn, rà phá bom mìn và công nghiệp quốc phòng cũng như trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Việt Nam và Italy sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN-EU, ASEM, UNESCO, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau nhằm phát triển quan hệ của Italy với châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trong đó chú trọng các dự án, chương trình, sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh.
Hai nhà lãnh đạo nêu rõ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; nhất trí cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại tuyến giao thương quan trọng này của thế giới.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Sergio Mattarella đã phát biểu với báo chí về kết quả trao đổi cũng như phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Tối cùng ngày, tại Phủ Tổng thống Italy, Tổng thống Sergio Mattarella mở tiệc Quốc yến chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Italy.
Chiều tối 21/11 theo giờ địa phương (sáng 22/11 theo giờ Hà Nội), sau khi đến thủ đô Rome, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Italy.
Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Italy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định chủ truơng, chính sách nhất qụán của Nhà nước Việt Nam là luôn trân trọng những tình cảm quý báu của bà con Việt kiều hướng về đất nước và luôn coi bà con là một bộ phận ruột thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước mong rằng mỗi người Việt Nam trong cộng đồng hơn 5.000 người tại Italy sẽ là một nhịp cầu góp phần quảng bá về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, đưa hai dân tộc Việt Nam-Italy ngày càng gần gũi. Chủ tịch nước mong muốn bà con Việt kiều tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt luật pháp nước sở tại, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và luôn hướng vê cội nguồn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ cho các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Italy tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, kết hợp song phương với đa phương, góp phần đóng góp tích cực cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hai nước./.