Nhằm kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, trong hai ngày 16-17/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe lãnh đạo chủ chốt tỉnh cùng các bộ, ngành đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh. Năm năm qua, Bình Thuận đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 8,9%; với cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Về nông nghiệp, giá trị gia tăng của ngành thủy sản Bình Thuận tăng bình quân 7,2%; hình thành các vùng chuyên canh cây đặc sản: thanh long, cao su. Doanh thu về du lịch tăng hàng năm.
Hệ thống hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư, đặc biệt là hệ thống thủy lợi. Diện mạo đô thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục khởi sắc. Hệ thống chính trị ngày càng nâng dần hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trên thương trường, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh còn yếu. Đời sống một bộ phận nhân dân lao động ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. An ninh nông thôn và trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, nếu không xử lý tốt dễ dẫn đến "điểm nóng."
Để giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, Bình Thuận đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chống xâm thực trên đảo Phú Quý; sớm bố trí vốn để đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão trọng điểm tại Phú Quý và Mũi Né; tiếp tục bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn; hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng lợi thế: thanh long, cao su, thủy sản chế biến... chuyển giao kỹ thuật trong khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương và bảo quản chế biến các thủy sản khai thác trên biển; sớm tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương tỉnh Bình Thuận đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, trong tốp những tỉnh, thành duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Đánh giá cao chương trình nông thôn mới được Bình Thuận làm bài bản, mang lại nhiều tiện ích cho dân, Chủ tịch nước hoan nghênh Bình Thuận coi trọng chất lượng xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính nhiều tiến bộ, hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, để tạo đột phá, Chủ tịch nước lưu ý phải tập trung mạnh cho 3 mục tiêu quan trọng đã đặt ra, đó là kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính.
Chủ tịch nước nêu rõ, bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhất là năm cuối 2015 cộng đồng ASEAN hình thành, sẽ là thách thức lớn đòi hỏi phải rà soát lại, tính toán lợi thế cạnh tranh đối với từng loại sản phẩm.
Ghi nhận Bình Thuận đã lựa chọn đúng một số mặt hàng chủ lực, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh phải rà soát lại thế mạnh từng sản phẩm, tạm dừng không đầu tư những lĩnh lực thiếu sức cạnh tranh, ưu tiên các dự án trọng điểm, nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào từng lĩnh vực, nhanh chóng nâng mặt bằng chất lượng hàng hóa Việt Nam.
Chủ tịch nước lưu ý các bộ, ngành có chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu vươn khơi. Chủ tịch nước cho rằng, với vị trí chiến lược về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Bình Thuận cần tìm giải pháp để phát triển nhanh hơn, đặt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, với quy mô lớn hơn, chất lượng tốt, tăng trưởng kinh tế làm chỗ dựa cho quốc phòng an ninh.
Nhấn mạnh năm 2015, là năm có nhiều sự kiện đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, Bình Thuận cần phải nhìn thẳng vào sự thật, để giải bài toán phát triển; đoàn kết, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của năm cuối nhiệm kỳ, đồng thời thảo luận kỹ, đóng góp ý kiến xác đáng cho dự thảo Báo cáo chính trị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhằm tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm kỳ mới.
Thăm trang trại thanh long Thuận Lan, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Chủ tịch nước đã thăm hỏi người dân về điều kiện chuyên canh, ứng dụng công nghệ, mở rộng diện tích, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo chủ trang trại, bình quân một hécta thanh long cho thu nhập khoảng từ 200-300 triệu đồng. Với 12ha thanh long, chủ trang trại có thể thu lợi hơn 2 tỷ đồng/năm.
Những năm gần đây, thanh long đang dần khẳng định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Thuận, có mặt khắp cả nước, xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên để xuất khẩu được, thanh long phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về mẫu mã, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thăm Đồn Biên phòng Mũi Né, Chủ tịch nước đã nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2014, phương hướng năm 2015. Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm và đề nghị các đại biểu đi sâu làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong các hoạt động hỗ trợ ngư dân, bảo vệ an ninh biển tại địa bàn tập trung nhiều cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng.
Khảo sát mô hình nông thôn mới tại xã Thiện Nghiệp (thành phố Phan Thiết) Chủ tịch nước đã khảo sát hiệu quả một số mô hình kết hợp thành công giữa trồng trọt chăn nuôi.
Chủ tịch nước biểu dương cách làm sáng tạo của địa phương, dựa vào dân để huy động nguồn lực, hoàn thành hạ tầng thiết yếu phát triển sản xuất, nhựa hóa 80% đường giao thông thôn xóm, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 98%, phủ sóng Internet toàn xã; xóa nhà tạm, dột nát. Là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế, Thiện Nghiệp đã khảo nghiệm và nhân rộng 5 mô hình sản xuất, mở 12 lớp đào tạo nghề cho dân, đưa thu nhập bình quân của người dân đạt 26 triệu đồng.
Chủ tịch nước đánh giá cao người dân Thiện Nghiệp dù còn nghèo nhưng đã hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhiều mặt. Chủ tịch nước mong muốn, những thành công từ điển hình Thiện Nghiệp sẽ là kinh nghiệm cho các địa phương trong cả nước học hỏi.
Chủ tịch nước cũng căn dặn thành tựu đạt được chỉ mang ý nghĩa bước đầu. Cũng như nhiều vùng nông thôn ở Nam Trung bộ, tiềm năng đất đai ở Thiện Nghiệp còn lớn. Nếu khắc phục được các mặt hạn chế về nước tưới và kỹ thuật canh tác, chắc chắn giá trị thu hoạch trên mỗi hécta ở đây sẽ còn được nâng lên.
Đến thăm nghiệp đoàn nghề cá phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã nghe đại diện của 5 nghiệp đoàn nghề cá của Bình Thuận đề xuất hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, nâng cấp phương tiện đánh cá, mở rộng dịch vụ hậu cần nghề, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền, góp phần hình thành những đội tàu cá mạnh, vươn xa bám biển, kết hợp làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Nhấn mạnh vai trò của nghiệp đoàn nghề cá trong công tác chăm lo hỗ trợ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chủ tịch nước cho rằng, các chương trình hỗ trợ ngư dân vươn xa bám biển là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, nghiệp đoàn và mỗi ngư dân cần chủ động học hỏi, nâng cao trình độ đánh bắt, khai thác hải sản, không được để thua kém so với các nước.
Tại thành phố Phan Thiết, Chủ tịch nước đã dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu di tích trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước; thăm cụ Đỗ Xuân Sơn, 91 tuổi cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa.
Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy ý nghĩa lịch sử văn hóa của trường Dục Thanh và những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần giúp các thế hệ hôm nay và mai sau nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.