"Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp"

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng Luật Thi đua, Khen thưởng còn nhiều bất cập, chủ yếu nghiêng về khen cán bộ, người lãnh đạo.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác thi đua-khen thưởng năm 2012 đã được Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức ngày 13/1, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định năm 2011, các phong trào thi đua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều đổi mới, sáng kiến, sáng tạo, góp phần quan trọng tạo nên những thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong năm 2011.

Những phong trào như “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015,” “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo ra chuyển biến mới về nhận thức, chuyển biến trong các phong trào thi đua lao động sáng tạo, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nhận được sự đồng tình của toàn dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cho rằng công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua vẫn còn một số tồn tại. Qua kiểm tra 24 đơn vị địa phương, bộ, ban, ngành, Phó Chủ tịch nước nhận thấy việc bình xét khen thưởng chưa tạo động lực, chưa có tác dụng thực tế. Phong trào thi đua vẫn còn hình thức, khó khăn khi đưa vào cuộc sống. Việc nhân điển hình tiên tiến chưa làm được nhiều, việc tuyên truyền cho công tác thi đua còn hạn chế. Bên cạnh đó, Luật Thi đua, Khen thưởng cũng còn nhiều bất cập, chủ yếu nghiêng về khen cho cán bộ, cho người lãnh đạo.

Phó Chủ tịch nước đề nghị năm 2012, phải bằng mọi cách làm chuyển biến nhận thức của người đứng đầu về công tác thi đua, nhận thức của cán bộ làm công tác thi đua cũng phải đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp, tập huấn sâu hơn và có thực tế.

Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương hoàn thiện đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" để trình Bộ Chính trị, tạo tiền đề, cơ sở trong việc đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, các Hội thảo lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng cần được tổ chức; chú trọng các phong trào thi đua và khen thưởng ở khu vực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, đối tượng người lao động, nhất là lao động trong các doanh nghiệp tư nhân. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được duy trì, nghiên cứu phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm lãng phí trong toàn quốc.

Năm 2011, các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh phong trào thi đua, thiết thực hưởng ứng năm nội dung thi đua giai đoạn 2011-2015.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” 59/63 tỉnh, thành phố, 75/82 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước tổ chức phát động thi đua và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Quán triệt Kết luận số 83-KL/TW ngày 30/8/2010 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, từ đầu năm 2011, toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng khen thưởng, chỉ đạo chặt chẽ công tác khen thưởng từ khâu đề xuất, lựa chọn và thực hiện các quy trình khen thưởng theo quy định; chuyển trọng tâm khen thưởng sang đối tượng người trực tiếp lao động, sản xuất, chỉ đạo công tác khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đột xuất.

Nhiều nơi như Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bến Tre, tỷ lệ người lao động được khen thưởng ở cấp tỉnh, thành lên đến 62,3-72,88%. Trong năm, ngành Thi đua-Khen thưởng đã thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng và Chủ tịch nước ra quyết định tặng thưởng cho trên 268.000 tập thể, cá nhân.

Năm 2012, ngành Thi đua-Khen thưởng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo khen thưởng đúng quy định và kịp thời; tập trung khen thưởng người có công trong hai cuộc kháng chiến./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục