Sau báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đọc báo cáo về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 30/10.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, trong hệ thống Tòa án nhân dân được thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Kế hoạch thực hiện đều đặt ra các yêu cầu, chỉ tiêu và giải pháp rất cụ thể đối với từng nội dung, đồng thời đảm bảo gắn kết với việc thực hiện các yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Tòa án nhân dân tối cao tăng cường làm tốt công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử. Công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật là một nhiệm vụ mà lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao rất quan tâm. Hàng tháng, Hội đồng Thẩm phán đều dành một thời gian nhất định để tập trung cho việc xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Triển khai thi hành các Bộ luật, luật và các luật tố tụng tư pháp đã được Quốc hội thông qua từ Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành 15 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật (riêng năm 2018 ban hành 5 Nghị quyết). Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng 17 Thông tư liên tịch (riêng năm 2018 ban hành 9 Thông tư liên tịch). Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 5 Thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật.
[Giải đáp về những vụ án được quan tâm trong thời gian qua]
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, không chỉ dừng lại việc phát triển án lệ từ các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao khuyến khích phát hiện các bản án của các Tòa án mang tính chuẩn mực trong áp dụng pháp luật để giải quyết các tình huống thực tế phức tạp, hiện còn có những vướng mắc hoặc cách hiểu khác nhau để đề xuất phát triển làm án lệ.
Tính đến ngày 30/9/2018 có trên 200 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết vụ án. Để giúp các Tòa án có điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp với các chuyên gia pháp lý và những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử tiến hành bình luận đối với các án lệ đã ban hành; biên tập và xuất bản Cuốn án lệ và bình luận án lệ cấp phát tới tất cả các Thẩm phán trong toàn hệ thống.
Về thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn các tiêu chí đặt ra đối với phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Nhìn chung thời gian qua, các phiên tòa đã được tổ chức tốt hơn. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng, các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng, đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ, trình bày hết các ý kiến của mình; trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã yêu cầu các Tòa án tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương công khai bản án. Đây là bước đột phá trong hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Đến nay, đã có 146.336 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của gần 90% Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và tất cả các Tòa án trong toàn quốc đều đã có bản án được công bố. Tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là 6.764.910 lượt; có hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định của Tòa án.
Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án
Xác định việc nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các Tòa án, tháng 9/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị Chánh án Tòa án 4 cấp để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử. Với việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra tại hội nghị đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án, khắc phục cơ bản việc để các vụ án quá hạn luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong năm qua là 1,09%, thấp hơn năm trước 0,21%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.
Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật tố tụng. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Thực hiện Nghị quyết 55 của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành tổng kết công tác xét xử lưu động, xây dựng báo cáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc không quy định chỉ tiêu về tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động là chỉ tiêu bắt buộc đối với các tòa án.
Công tác hòa giải tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, qua đó đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, dứt điểm, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tỷ lệ hòa giải thành có xu hướng tăng qua các năm (trung bình các vụ việc dân sự được hòa giải thành chiếm trên 50% tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết). Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính tại Hải Phòng. Từ thời điểm bắt đầu thí điểm thực hiện mô hình này (19/3/2018) đến ngày 30/9/2018, các Trung tâm này đã hòa giải thành 76,2% số vụ việc được chuyển sang.
Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng và với kết quả đạt được cũng như vai trò, ý nghĩa quan trọng mà việc hòa giải, đối thoại thành mang lại, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai mở rộng thí điểm mô hình này tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong công tác xét xử các vụ án hành chính, các Tòa án đã quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết loại án này; chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện nên nhiều vụ án sau khi đối thoại, các bên đã thống nhất cách thức giải quyết, người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện, giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, dứt điểm. Trong quá trình giải quyết, các Tòa án cũng đã quan tâm làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã yêu cầu các đơn vị chức năng chú trọng thực hiện công tác kiểm tra nghiệp vụ của các Tòa án để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử; đề xuất kháng nghị đối với các bản án, quyết định có sai lầm nghiêm trọng. Ngay từ đầu năm, Tòa án nhân dân Tối cao đã xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát đối với Tòa án nhân dân hai cấp của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tính đến ngày 30/9/2018 đã tiến hành kiểm tra đối với 12 tỉnh, thành phố); chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp tỉnh duy trì thường xuyên công tác kiểm tra việc xét xử đối với các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý.
Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì vậy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, nhất là tại các Tòa án nhân dân cấp cao, song tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong năm qua vẫn tăng 0,5% so với năm 2017. Hiện Tòa án nhân dân Tối cao đang nghiên cứu xây dựng Đề án về đổi mới công tác hòa giải và đối thoại tại Tòa án, nhằm nâng cao tỷ lệ các vụ án được hòa giải thành, đây là một giải pháp căn cơ, góp phần hạn chế ngay từ đầu việc phát sinh các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp
Thời gian qua, công tác tổ chức cán bộ của các Tòa án được tập trung vào việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức, cán bộ của hệ thống Tòa án làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của nền công vụ tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại; bảo đảm cho các Tòa án nhân dân sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thời kỳ hội nhập, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức thí điểm thi lãnh đạo cấp Vụ đối với 4 vị trí; tổ chức 3 kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp đối với 594 người theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả có 3 người trúng tuyển Thẩm phán cao cấp, 187 người trúng tuyển Thẩm phán trung cấp và 273 người trúng tuyển Thẩm phán sơ cấp; tổ chức kỳ thi nâng ngạch Thẩm tra viên chính, Thư ký viên chính đối với 189 công chức theo quy định. Việc tổ chức thi tuyển được thực hiện nghiêm túc, công khai, theo hướng mở rộng nguồn, nhằm lựa chọn những người có trình độ, năng lực tốt nhất để bổ nhiệm, từ đó tạo động lực và mở ra phong trào thi đua học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm và thực hiện đúng quy định. Cùng với việc tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng định kỳ, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao luôn khuyến khích cán bộ, công chức trong toàn hệ thống tự học tập, trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là việc tự học thông qua hoạt động rút kinh nghiệm công tác xét xử. Cùng với việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp cũng rất được quan tâm.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2020 triển khai Đề án tòa án điện tử, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án tiếp tục được tăng cường, tập trung vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, bước đầu Tòa án nhân dân tối cao cũng đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ
Việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế phục vụ cho hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp, công tác hợp tác quốc tế của Tòa án nhân dân trong thời gian qua tiếp tục được tăng cường
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội cũng có một số hạn chế, như việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự kịp thời; một số vụ án xét xử ở cấp sơ thẩm cũng còn có sai sót; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra; việc tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho các tòa án tiến hành còn chậm.
Thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục chỉ đạo các tòa án thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là 14 giải pháp về nâng cao chất lượng công tác xét xử đã được lãnh đạo Tòa án nhân dân đề ra để khắc phục trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Tòa án, đáp ứng yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội nói chung và Nghị quyết 55 nói riêng đã đề ra./.