Chung kết Tây Ban Nha-Italy: Lịch sử sẽ gọi tên ai?

Lịch sử sẽ tôn vinh Tây Ban Nha hay Italy. Câu trả lời chỉ có thể xác định sau khi trận chung kết EURO 2012 trên sân Olympic kết thúc.
Vòng quay quyền lực của bóng đá châu Âu đứng trước điểm cuối của chu kỳ 4 năm. Tây Ban Nha và Italy, thật khó có thể chờ đợi một màn hạ nào hấp dẫn hơn thế cho một kỳ EURO đầy ắp chất lượng như năm nay. Ít người đặt câu hỏi về việc hai đội có mặt ở sân vận động Olympic tại thủ đô Kiev (Ukraine). Họ hoàn toàn xứng đáng sau những gì đã thể hiện. Cùng xuất phát từ bảng C và ba tuần lễ sau khi cống hiến trận đấu hay nhất vòng bảng 1-1, họ tái ngộ nhau. Lần thứ 2 trong 3 kỳ EURO gần đây, một vòng tròn như vậy lặp lại (EURO 2004, Hy Lạp và chủ nhà Bồ Đào Nha cùng chung bảng sau đó cùng tiến đến trận chung kết). Lần này, sẽ không thể có một kết quả bất phân thắng bại nữa. Sẽ có một cái tên bước lên đỉnh cao châu Âu và một cái tên lặng lẽ đầy tiếc nuối. Nếu vinh quang thuộc về Tây Ban Nha, lịch sử bóng đá sẽ phải viết lại. Không chỉ châu Âu chưa từng chứng kiến đội nào bảo vệ thành công ngôi báu mà thế giới cũng chưa từng có đội nào đăng quang liên tiếp ở 3 giải lớn. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, Tây Đức (cũ) đã có thành tích giống hệt Tây Ban Nha lúc này. Đội bóng lừng lẫy của huấn luyện viên quá cố Helmut Schoen chinh phục được EURO 1972 và World Cup 1974 đồng thời lọt vào chung kết EURO 1976. Nhưng trong trận chiến cuối cùng đó, Tây Đức thất bại trước Tiệp Khắc ở loạt luân lưu trở thành huyền thoại với cú "xúc thìa" sau này trở thành thương hiệu mang tên Antonin Panenka.
[HLV del Bosque tiếp tục gây sốc ở trận chung kết]
Khó so sánh Tây Ban Nha và Tây Đức trước đây, đội nào hay hơn. Dòng chảy của thời gian luôn làm thay đổi rất nhiều, kể cả những triết lý và quan điểm bóng đá. Tây Ban Nha thực sự là đỉnh cao của bóng đá thế giới hiện tại, điều đã được khẳng định qua EURO 2008 và World Cup 2010. Họ lên ngôi cùng phong cách "tiki-taka" huyền ảo. Đó là lối chơi giành phần lớn quyền kiểm soát bóng bằng những đường chuyền ngắn, nhuần nhuyễn giữa các cầu thủ di chuyển trên một phạm vi rộng với cự ly gắn kết. Nó không giống với bóng đá tổng lực của Hà Lan trước đây mà thực sự là đặc trưng của Tây Ban Nha, của Barcelona. Nhưng đến EURO 2012, "tiki-taka" đang phải hứng chịu không ít lời chê bai, ví von phong cách này đã biến tướng thành "thuốc ngủ liều cao."  Tây Ban Nha vẫn khống chế bóng theo kiểu quen thuộc, nhưng đủng đỉnh không tấn công mạnh mẽ mà chờ đợi đối phương bị bóp nghẹt ý chí, xuất hiện sơ hở. Lúc đó, họ tung ra một cú đòn trí mạng mang tính quyết định. Và khi Tây Ban Nha dẫn trước, đừng mong chờ gỡ hòa bởi bóng lại luôn nằm trong chân họ.  Người ta so sánh Tây Ban Nha "nhạt nhẽo" hiện nay với Barcelona vẫn đầy quyến rũ và cho rằng điều khác biệt lớn nhất chính là... Lionel Messi. Với Messi, Barcelona luôn hừng hực khí thế và nhịp độ tấn công bất kể lúc nào. Trong khi đó, Tây Ban Nha phần nào loay hoay với phương án trên hàng công. Cesc Fabregas được sử dụng như một "số 9 ảo" đá cao nhất, giống vai trò anh từng thể hiện ở Barcelona song Fabregas không phải là Messi. Số 9 thực sự Fernando Torres không được trọng dụng trong những trận đấu quyết định. Ở bán kết trước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha bất ngờ sử dụng Alvaro Negredo song rõ ràng tiền đạo này cũng không phù hợp. Một "tiki-taka" tượng trưng cho bóng đá tấn công giờ dường như biến thành chất liệu phòng ngự! Tây Ban Nha không được đánh giá cao về tấn công ở giải này song hãy nhớ, kể từ sau bàn thua trước chính Italy ở lượt trận đầu tiên vòng bảng, La Roja không thủng lưới thêm lần nào nữa. Thật thú vị khi ở phía bên kia, Italy vốn lừng danh phòng ngự đổ bê tông "catenaccio" giờ đây lại hừng hực sức mạnh tấn công trong cuộc cách mạng đang rất suôn sẻ của Cesare Prandelli. [Fabregas đặc biệt cảnh giác với Mario Balotelli] Màu Thiên thanh đến với EURO 2012 trong những dự báo khá ảm đạm khi một lần nữa, họ nhập cuộc một giải lớn với bối cảnh bóng đá trong nước lại nổ ra bê bối dàn xếp tỷ số. Nhưng cũng như World Cup 1982 và World Cup 2006, Italy lại chứng tỏ được rằng càng khó khăn, họ càng mạnh mẽ. Với một hàng tiền vệ linh hoạt nơi mà lão tướng Andrea Pirlo vẫn vẹn nguyên sức kỳ ảo như biệt danh "Tinker Bell" của anh, với một hàng công có "siêu quậy" Mario Balotelli luôn sẵn sàng bùng nổ, đây là một trong những Azzurri hướng về phía trước nhất mà người ta thấy trong nhiều năm gần đây. Nhưng không có nghĩa, truyền thống bị vứt bỏ. Trận bán kết với Đức đã chứng minh điều đó. Sau khi có thế trận an toàn với 2 bàn cách biệt, Italy thể hiện chất phòng ngự thép làm nản lòng những nỗ lực của "cỗ xe tăng" mà đặc biệt là chốt chặn cuối cùng Gianluigi Buffon vẫn xứng danh "Người nhện." Khả năng khóa chặt đối phương đó giờ được kết hợp thêm những đòn phản công sắc bén càng khiến màu Thiên thanh trở nên lung linh. Họ phải chơi như thế nào để phá giải "tiki-taka," công thức đã thống trị sân cỏ thế giới lẫn châu Âu 4 năm qua? Tranh chấp bóng quyết liệt giữa sân là kinh nghiệm có thể rút ra từ trận bán kết Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha, khi những thách thức trực diện của hàng tiền vệ Bồ Đào Nha khiến "tiki-taka" không trôi chảy được như thường lệ. Hãy chờ đợi Italy không lùi sâu chịu đòn mà sẵn sàng đôi công và với Balotelli như một quả bom nổ chậm phía trên, Tây Ban Nha cần phải dè chừng. Tây Ban Nha và Italy, hai cái tên đầy quyền lực của bóng đá châu Âu. Hai nền bóng đá này có tổng cộng tới 25 chức vô địch châu lục cấp câu lạc bộ nhưng đây mới là lần đầu tiên, họ chạm trán nhau ở thử thách cuối cùng trước ngưỡng cửa thiên đường. Lịch sử sẽ tôn vinh Tây Ban Nha hay một lần nữa, lời nguyền không ai vô địch EURO được hai lần liên tiếp sẽ ám ảnh họ? Nếu là kịch bản sau, sẽ thật định mệnh nếu lại diễn ra ở loạt đá luân lưu như Tây Đức năm nào và Pirlo của Italy chắc chắn luôn sẵn sàng thực hiện một cú "Panenka" nữa.../.
Chung kết Tây Ban Nha-Italy: Lịch sử sẽ gọi tên ai? ảnh 1
Thông tin trận đấu: - Địa điểm: Sân Olympic ở thủ đô Kiev (Ukraine) với sức chứa 60.000 chỗ ngồi. - Thời gian: 1h45 ngày 2/7 (giờ Việt Nam). - Trọng tài: Pedro Proenca (người Bồ Đào Nha). Thông tin bên lề: - Nếu Tây Ban Nha vô địch, họ sẽ cân bằng kỷ lục 3 lần vô địch châu Âu của Đức. Hai lần vô địch trước đó của Tây Ban Nha là các năm 1964 và 2008. - Italy mới một lần vô địch châu Âu, đó là trên sân nhà năm 1968. - Hai trận chung kết EURO gần đây đều "khô hạn" bàn thắng với duy nhất một bàn mỗi trận. - 9/14 tuyển thủ Tây Ban Nha ở chung kết EURO 2008 giờ vẫn còn lại trong đội hình là Iker Casillas, Sergio Ramos, Xabi Alonso, Xavi, Andres Iniesta, David Silva, Cesc Fabregas, Santi Cazorla và Fernando Torres. - Tây Ban Nha đang có chuỗi phong độ ấn tượng kể từ sau khi thua Thụy Sĩ ở trận mở màn World Cup 2010. Cụ thể, họ bất bại trong 19 trận mà trong số đó thắng tới 17 trận. Hai trận hòa đều ở EURO 2012 là 1-1 với Italy ở vòng bảng và 0-0 với Bồ Đào Nha ở bán kết trong thời gian chính thức. Trong chuỗi trận đó, Tây Ban Nha chỉ thủng lưới 8 bàn, giữ sạch lưới trong 4 trận gần đây ở EURO 2012./.
Trung Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục